Ba ngân hàng ở Mỹ, châu Á và châu Âu thua lỗ do cho vay bất động sản thương mại ở Mỹ trong bối cảnh lĩnh vực này chịu áp lực bởi tỷ lệ lấp đầy thấp và môi trường lãi suất cao.
Hôm 31-1, New York Community Bancorp (NYCB), ngân hàng cho vay khu vực của Mỹ, tiết lộ ngân hàng này lỗ lớn đối với các khoản vay gắn liền với bất động sản thương mại. Một ngày sau đó, ngân hàng Aozora của Nhật Bản và ngân hàng Deutsche Bank của Đức cũng cảnh bảo rủi ro thua lỗ liên quan tới bất động sản ở Mỹ.
Những khoản lỗ trên đánh dấu hậu quả mới nhất từ vấn đề kép của thị trường bất động sản thương mại Mỹ: lượng nhân viên làm việc ở văn phòng giảm xuống kể từ sau đại dịch Covid-19 và chi phí đi vay đắt đỏ hơn.
“Chúng tôi dự đoán tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản ở Mỹ sẽ gia tăng trong năm nay khi các thỏa thuận gia hạn nợ kết thúc. Nhiều chủ sở hữu bất động sản thương mại sẽ buộc phải bơm vốn mới, trả lại tài sản cho người cho vay hoặc bán tháo”, Kiran Raichura, Phó giám đốc kinh tế bất động sản của Capital Economics, nói.
NYCB chứng kiến giá cổ phiếu tăng vọt vào năm ngoái sau khi mua lại ngân hàng Signature Bank sụp đổ giữa cao trào của cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực ở Mỹ. Hôm 31-1, NYCB cho biết thua lỗ 185 triệu đô la ở hai khoản vay bất động sản thương mại và phải trích lập dự phòng hơn 500 triệu đô la để bù đắp những tổn thất tiềm tàng.
Tiết lộ đó gây sốc cho nhà đầu tư, khiến cổ phiếu của NYCB giảm gần 40% và xóa sạch thành quả tăng giá kể từ khi tiếp quản Signature Bank. Cổ phiếu này giảm thêm 11,1% trong phiên giao dịch hôm 1-2.
Tin xấu bất ngờ của NYCB cũng thúc đẩy nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của các ngân hàng khu vực khác, vốn chưa phục hồi hoàn toàn sau cú sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley Bank và các tổ chức cho vay quy mô trung bình khác hồi đầu năm ngoái.
Các nhà phân tích của Bank of America nhận định, tổn thất của NYCB liên quan đến rủi ro văn phòng bất động sản thương mại “là lời nhắc nhở về quá trình bình thường hóa tín dụng đang diễn ra mà chúng ta chứng kiến trong toàn ngành”.
Hiệu ứng lan tỏa đã được cảm nhận ở Tokyo, nơi cổ phiếu của ngân hàng Aozora giảm giá kịch sàn hôm 1-2 sau khi ngân hàng này dự báo khoản lỗ cả năm đối với các khoản cho vay bất động sản ở Mỹ. Aozora cảnh báo sẽ mất tới hai năm để thị trường văn phòng ở Mỹ ổn định trở lại.
Aozora, một ngân hàng quy mô trung bình, điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận từ 24 tỉ yen (164 triệu đô la Mỹ) cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2024 xuống mức lỗ ròng 28 tỉ yen. Ngân hàng này đã trích lập dự phòng bổ sung 32,4 tỉ yen cho khoản nợ xấu liên quan đến bất động sản văn phòng của Mỹ trong quí 3. Cảnh báo về lợi nhuận khiến cổ phiếu của ngân hàng này giảm giá hơn 21% trong phiên giao dịch hôm qua. Sáng nay (2-2), cổ phiếu của Aozora giảm giá thêm 19%, xuống mức thấp nhất ba năm.
Aozora cho vay mạnh ở Mỹ, đặt cược rằng thị trường văn phòng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ mang lại lợi nhuận an toàn và ổn định. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát và mọi người chuyển sang làm việc tại nhà, giá bất động sản thương mại ở Mỹ giảm mạnh, làm đảo lộn chiến lược của ngân hàng này.
“Việc Aozora tiếp xúc nhiều với thị trường không cốt lõi gần như là một thất bại trong quản lý rủi ro”, Pri de Silva, nhà phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence, nhận xét.
Trong báo cáo giải trình, Aozora tiết lộ, dư nợ cho vay văn phòng tại Mỹ của ngân hàng này là 1,9 tỉ đô la, chiếm 6,6% tổng dư nợ cho vay. Aozora cho biết đang đánh giá lại mức định giá bất động sản và chuẩn bị tăng dự phòng thua lỗ trong trường hợp phải thu hồi nợ thông qua việc bán các bất động sản liên quan ở Mỹ.
Aozora cũng sẽ tăng tốc bán danh mục đầu tư chứng khoán, chủ yếu trái phiếu nước ngoài, vốn đang thua lỗ do lãi suất của Mỹ tăng.
Trong khi đó, tại Đức, ngân hàng Deutsche Bank tăng trích lập dự phòng tổn thất đối với các khoản vay liên quan đến bất động sản thương mại ở Mỹ lên 123 triệu euro, từ mức chỉ 26 triệu euro vào một năm trước đó.
Mối lo bất động sản không chỉ giới hạn ở Mỹ. Trong tuần này, ngân hàng Julius Baer của Thụy Sĩ báo cáo lợi nhuận giảm 50% vào thứ Năm sau khi họ bút toán xóa 606 triệu franc Thụy Sĩ (700 triệu đô la Mỹ) khỏi khoản đầu tư vào tập đoàn bất động sản Signa (Áo) đang gặp khủng hoảng. CEO Philipp Rickenbacher của Julius Baer đã phải từ chức vì khoản lỗ này.
Những ngân hàng quy mô trung bình thường tiếp xúc nhiều hơn với ngành bất động sản. Họ có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với ngân hàng lớn vì thiếu mảng kinh doanh thẻ tín dụng lớn hoặc mảng ngân hàng đầu tư để bù đắp rủi ro. Tháng trước, Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản cho biết sẽ kiểm tra quy mô các khoản cho vay bất động sản ở các ngân hàng Nhật Bản bối cảnh thị trường bất động sản ở Mỹ và châu Âu đang ngày càng tồi tệ.
Theo Chánh Tài