Ngành công nghiệp dầu lửa Mỹ có vẻ như chẳng vội vã gì trong việc ra tay “giải cứu” người tiêu dùng nước này khỏi mức giá xăng cao kỷ lục. CEO các hãng dầu lửa lớn của Mỹ nói đó là do Phố Wall…
Trong một cuộc khảo sát do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Dallas thực hiện mới đây, 59% số CEO dầu khí được hỏi cho biết rằng sức ép từ nhà đầu tư buộc công ty phải duy trì kỷ luật vốn là nguyên nhân chính khiến họ phải kiềm chế tăng trưởng.
KỶ LUẬT THAY VÌ TĂNG TRƯỞNG
Trong suốt nhiều năm, ngành công nghiệp dầu khí với nhiều thăng trầm đã mạnh tay đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá. Sản lượng dầu thô của Mỹ khi đó tăng bùng nổ, giữ giá dầu ở mức thấp. Tuy nhiên, việc duy trì lợi nhuận tại các công ty dầu lửa lại là một việc khó. Hàng trăm công ty dầu khí của Mỹ đã phá sản trong những đợt sụt giảm của giá dầu, dẫn tới việc nhà đầu tư yêu cầu các công ty dầu khí còn tồn tại phải kiểm soát tăng trưởng.
Hiện nay, các công ty dầu lửa Mỹ còn đang đối mặt sức ép lớn từ Phố Wall đòi hoàn tiền cho cổ đông thông qua việc trả cổ tức và mua lại cổ phiếu, thay vì đầu tư để bơm thêm dầu, đáp ứng “cơn khát” dầu của thế giới.
“Kỷ luật tiếp tục là vấn đề ngự trị trong ngành”, một nhà điều hành từ một công ty dịch vụ mỏ dầu cho biết trong cuộc khảo sát của Fed Dallas. “Cổ đông và các chủ nợ tiếp tục yêu cầu lợi nhuận từ khoản đầu tư của họ, và chỉ tới khi đã rõ rằng giá dầu cao sẽ duy trì trong thời gian dài, sẽ chẳng có chuyện các công ty rót thêm tiền để bơm thêm dầu”.
Sản lượng dầu của Mỹ được dự báo sẽ tăng trong mấy tháng tới, nhưng vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch. Thực tế này lại diễn ra đúng vào lúc giá dầu đang ở vùng cao nhất kể từ năm 2008.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Mỹ khai thác 11,6 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tuần kết thúc vào ngày 18/3. Mức sản lượng này giảm 10% so với ở thời điểm cuối năm 2019. Trong khi đó, giá dầu thô WTI giao sau tại New York hiện đã tăng gần 90% so với mức cuối năm 2019.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/3, giá dầu WTI dừng ở mức hơn 112 USD/thùng. Mức giá này cao hơn nhiều so với mức bình quân 56 USD/thùng mà các công ty dầu khí tham gia cuộc khảo sát của Fed Dallas nói là họ bắt đầu có lãi. Những công ty lớn hơn cho biết chỉ cần giá dầu đạt 49 USD/thùng là họ đã có lãi.
Các CEO dầu khí và nhà đầu tư không muốn tăng sản lượng quá nhiều vì việc đó có thể dẫn tới tình trạng thừa mứa dầu, khiến giá dầu lao dốc trở lại. Và cổ đông cũng muốn các công ty hoàn tiền lại cho họ thông qua trả cổ tức và mua lại cổ phiếu, thay vì đầu tư để tăng sản lượng dầu.
Một vị CEO trong cuộc khảo sát đề cập đến những khoản thua lỗ lớn mà cổ đông của các công ty dầu lửa đã phải hứng chịu trong những năm gần đây. Trong thập kỷ vừa qua, ngành năng lượng – mà lực lượng chủ yếu là các công ty dầu khí lớn – chính là nhóm cổ phiếu tệ nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ.
“Nhiều nhà đầu tư rút vốn khỏi các quỹ phòng hộ để mua cổ phiếu của các công ty khai thác dầu đá phiến, để rồi nhận ra rằng khi gía dầu lao dốc, giá trị còn lại trong tay họ chẳng đáng là bao nhiêu”, nhà điều hành nói.
SẢN LƯỢNG KHÔNG TĂNG, GIÁ DẦU SẼ CÒN CAO
Sau khi Nga tấn công Ukraine, giá xăng ở Mỹ đã đạt kỷ lục mọi thời đại 4,33 USD/gallon.
Các chính sách bảo vệ môi trường thường bị xem là một nguyên nhân dẫn tới giá năng lượng cao, nhưng các CEO dầu khí không xem đây là trung tâm của vấn đề.
Chỉ có 6% số CEO dầu khí tham gia cuộc khảo sát của Fed Dallas xem các quy chế giám sát của chính phủ là nguyên nhân chính khiến các công ty dầu lửa hạn chế tăng trưởng sản lượng. 11% đề cập đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Đây là phong trào đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư dịch chuyển khỏi các công ty năng lượng hoá thạch và rót vốn vào các công ty năng lượng sạch. Khoảng 15% nói đến “các yếu tố khác” như thiếu nhân sự và vấn đề về chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, nhiều CEO dầu khí được khảo sát bày tỏ mối lo ngại lớn về các quy chế giám sát và những lời “đao to búa lớn” về cắt giảm năng lượng hoá thạch đến từ Chính phủ liên bang cũng như một số tiểu bang như Colorado.
“Các thông điệp từ Nhà Trắng, từ Quốc hội Mỹ và từ Phố Wall đều nói rằng dầu khí là một ngành công nghiệp đang chết dần và đáng bị từ bỏ”, một vị CEO tham gia cuộc khảo sát nói. Vị này cũng nói đến “những vấn đề nghiêm trọng về nhân sự” xuất phát từ “sự gièm pha” nhằm vào ngành công nghiệp dầu khí.
“Quy chế giám sát đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng và hạn chế sản lượng năng lượng của Mỹ”, một vị khác nói.
Đối với người tiêu dùng đang lo lắng vì giá xăng tăng cao, có một tin tốt là nguồn cung dầu của Mỹ sẽ tăng. Tuy nhiên, cũng có một tin xấu là sản lượng của các công ty dầu khí lớn của nước này sẽ tăng rất khiêm tốn. Mức tăng trưởng sản lượng của các công ty dầu lửa lớn ở Mỹ trong quý 4 năm ngoái và quý 1 năm nay đạt trung bình 6%. Các công ty nhỏ hơn có mức tăng trưởng khoảng 15%.
Nếu các hãng dầu lửa lớn của Mỹ và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) không nâng sản lượng mạnh hơn, các nhà phân tích cho rằng giá năng lượng sẽ duy trì ở mức cao.
Một CEO dầu khí tham gia cuộc khảo sát của Fed Dallas nói rằng Mỹ cần tăng sản lượng dầu thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2023 để cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
“Nhưng điều này khó có khả năng trở thành hiện thực”, vị CEO đó nhận định. “Vì thế, giá dầu sẽ duy trì ở ngưỡng cao cho tới khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái”.
Theo Bình Minh