Tiền đồng trước thách thức giảm giá so với đô la Mỹ

Tiền đồng trước thách thức giảm giá so với đô la Mỹ post thumbnail image

Trước sức ép tăng giá của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế, một số dự báo của các tổ chức quốc tế cho rằng các đồng tiền trong khu vực nói chung và tiền đồng nói riêng sẽ chịu áp lực giảm giá lớn hơn trong năm nay, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ còn nhiều lần tăng lãi suất trong năm nay.

Đô la Mỹ tăng vọt

Chỉ số USD Index đã tiếp tục xu hướng tăng mạnh mẽ từ đầu tháng 4-2022 đến nay, chính thức vượt mốc 100 điểm vào những ngày giữa tháng 4 để lên mức cao nhất trong hai năm qua tại vùng 101,6 điểm vào đầu tuần này (25-4-2022). Sự tăng giá của đô la Mỹ diễn ra bất chấp áp lực lạm phát vẫn đang đè nặng lên nền kinh tế Mỹ, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2022 của nước này tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ tháng 8-1982.

Thực tế lạm phát tăng nóng đang khiến giới đầu tư tin rằng Fed buộc phải thắt chặt chính sách nhanh hơn với tần suất lẫn cường độ tăng lãi suất sẽ dày hơn, sau lần tăng đầu tiên trở lại 0,25% vào tháng 3 vừa qua. Gần đây, nhiều quan chức Fed xem việc nâng lãi suất với bước nhảy 0,5% ít nhất một lần trong năm nay là phù hợp nếu trong thời gian tới sức ép giá cả không giảm đi, minh chứng rõ nhất là phát biểu mới đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell ám chỉ khả năng tăng 0,5% ngay trong cuộc họp tháng 5 tới. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ hôm 19-4-2022 có lúc chạm mốc 2,94%, mức cao nhất kể từ tháng 11-2018.

Nếu Việt Nam có thể thành công trong việc giữ lạm phát trong tầm mục tiêu kiểm soát, đó không chỉ là cơ sở giúp ổn định lãi suất mà còn là câu chuyện tỷ giá.

Bên cạnh việc nâng lãi suất quyết liệt, Fed cũng dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 1.000 tỉ đô la Mỹ khỏi bảng cân đối kế toán trong vòng một năm, nhằm chống lại mức lạm phát đang cao nhất trong bốn thập kỷ. Những diễn biến mới này càng thúc đẩy giới đầu tư tăng nắm giữ đô la Mỹ với kỳ vọng nhận được suất sinh lời cao hơn, cộng thêm vai trò trú ẩn an toàn của đô la Mỹ đã tăng lên gần đây sau khi xung đột quân sự nổ ra tại Ukraine. Việc đồng euro lao dốc sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho biết sẽ không vội vàng tăng lãi suất, càng làm tăng sức mạnh của đô la Mỹ.

Đà tăng vọt của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế kéo theo những biến động của tỷ giá trong nước trong những ngày gần đây. Tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng tính đến ngày 26-4-2022 đã tăng thêm 35 đồng so với tháng trước, lên mức 23.135, theo đó chỉ còn giảm 10 đồng so với đầu năm, trong khi giá giao dịch tại các ngân hàng cũng có dấu hiệu nóng lên.

Cụ thể, giá mua bán tại Vietcombank đã tăng mạnh 140 đồng kể từ đầu tháng 4 đến nay và tăng 200 đồng so với đầu năm, hiện nằm ở mức 22.840 và 23.120 tính đến cuối ngày 26-4-2022. Trong khi đó, giá giao dịch trên thị trường tự do sau khi giảm mạnh trong tháng 3 và tuần đầu tháng 4, những ngày qua cũng có dấu hiệu bật lên trở lại. Hiện giá mua bán tương ứng ở 23.420 và 23.510, tăng tương ứng 95 đồng và 145 đồng so với tháng trước, theo đó chênh lệch mua bán mở rộng lên 90 đồng..

Trước sức ép tăng giá của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế, một số dự báo của các tổ chức quốc tế cho rằng các đồng tiền trong khu vực nói chung và tiền đồng nói riêng sẽ chịu áp lực giảm giá lớn hơn trong năm nay, khi Fed sẽ còn nhiều lần tăng lãi suất trong năm nay. Gần đây nhất, ngân hàng UOB tiếp tục giữ quan điểm thận trọng đối với tiền đồng và tiếp tục dự đoán tiền đồng sẽ giảm nhẹ cùng với xu hướng của các đồng tiền khác ở châu Á so với đô la Mỹ, xuống mức 23.200 đồng/đô la vào cuối quí 4-2022 và 23.300 đồng/đô la trong quí 1-2023.

Rủi ro dòng vốn ngoại tệ?

Đánh giá về sự biến động của tỷ giá trong những ngày gần đây, ngoài nguyên nhân ảnh hưởng từ đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế kéo theo tỷ giá trung tâm đi lên, giới phân tích cho rằng nền kinh tế phục hồi tích cực giúp doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh tăng mạnh, nên xuất hiện nhu cầu đô la Mỹ đột biến để thanh toán cho khoản đáo hạn của một vài tổ chức lớn. Trong khi trước đó, các ngân hàng dự báo tỷ giá giảm nên hạn chế duy trì trạng thái dương ngoại tệ.

UOB cũng cho rằng rủi ro trên dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã tăng lên trong thời gian gần đây do kỳ vọng tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-3-2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,91 tỉ đô la Mỹ, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, trong ba tháng đầu năm 2022 có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 180,2 triệu đô la Mỹ, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước; có ba lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 31,2 triệu đô la Mỹ, giảm 92,8%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 211,5 triệu đô la Mỹ, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, hoạt động thương mại dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tình hình thế giới hiện nay, nhưng vẫn đang ghi nhận sự khởi sắc. Số liệu của Tổng cục Hải quan mới đây cho thấy cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 đã xuất siêu 2,05 tỉ đô la Mỹ, giúp đảo chiều con số nhập siêu trong hai tháng đầu năm thành xuất siêu 1,46 tỉ đô la Mỹ trong quí 1.

Việc Trung Quốc vì theo đuổi chiến lược zero Covid nên đã phong tỏa một số thành phố, trung tâm kinh tế lớn trong những tuần qua, cũng như sẽ tiếp tục trong tương lai, dù sẽ ảnh hưởng lên các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào nước này, nhưng bù lại cũng có thể làm hạn chế luồng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Cần biết rằng từ trước đến nay Trung Quốc luôn là đối tác mà Việt Nam chịu thâm hụt thương mại hàng hóa lớn nhất.

Trong khi đó, khi Trung Quốc phong tỏa và đóng băng một số hoạt động kinh tế, đơn hàng từ Trung Quốc có thể chuyển sang Việt Nam, cũng như hàng hóa Việt Nam sẽ giảm sự cạnh tranh từ hàng Trung Quốc, từ đó cũng giúp các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam (nếu không phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc) tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do giúp cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 đạt kết quả tích cực như vậy.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài, hay mới đây nhất là sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự ở miền Bắc Iraq, có thể càng đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với nguy cơ thêm đứt gãy trầm trọng, giá cước vận tải tăng vọt… Khi đó, những quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam với hoạt động thương mại mạnh mẽ sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên.

Những dự báo tiền đồng mất giá cũng có thể ảnh hưởng lên tâm lý thị trường và kéo mặt bằng lãi suất tiền đồng đi lên. Thực tế trong những tuần qua nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi trở lại, trong khi lãi suất thị trường liên ngân hàng cũng duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước.

Dù vậy, nếu Việt Nam có thể thành công trong việc giữ lạm phát trong tầm mục tiêu kiểm soát, đó không chỉ là cơ sở giúp ổn định lãi suất mà còn là câu chuyện tỷ giá.

Theo Tuệ Nhiên

Có thể bạn quan tâm