Nhà quản lý quỹ đại tài Bill Ackman lên tiếng cảnh báo về nền kinh tế Mỹ, cho rằng hoạt động kinh tế bắt đầu giảm tốc trước tác động của các đợt nâng lãi suất.
“Fed có thể đã chấm dứt chu kỳ nâng lãi suất. Tôi nghĩ nền kinh tế bắt đầu chậm lại”, ông Ackman chia sẻ trên chương trình “Squawk Box” của CNBC. “Lãi suất thực đã đủ cao để kìm hãm kinh tế”.
Trong nỗ lực ghìm cương lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất hơn chục lần lên mức cao nhất 22 năm, đồng thời báo hiệu sẽ duy trì lãi suất cao trong khoảng thời gian dài hơn.
Tại cuộc họp tháng 9, Fed dự báo vẫn còn một đợt nâng lãi suất trong năm nay. Nhiều chuyên gia trên Phố Wall tỏ rõ nỗi lo về suy thoái khi các đợt nâng lãi suất bắt đầu thể hiện đầy đủ tác động.
“Lãi suất vay thế chấp cao, lãi suất thẻ tín dụng ngất ngưỡng. Chúng bắt đầu tác động thực sự tới nền kinh tế”, ông Ackman chia sẻ. “Nền kinh tế vẫn còn vững mạnh, nhưng chắc chắn đang giảm tốc. Tôi thấy nhiều tín hiệu suy giảm của nền kinh tế”.
Vị chuyên gia này tin rằng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ dài hạn có thể tăng mạnh hơn trong môi trường hiện tại. Ông dự báo lợi suất kỳ hạn 30 năm sẽ thách thức mức 5.5%, trong khi kỳ hạn 10 năm tiệm cận mốc 5%. Ackman nhận định ông đang bán khống trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm như một biện pháp phòng hộ cho danh mục.
Trong ngày 02/10, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 4.64%, sau khi chạm đỉnh 15 năm trong tuần trước. Còn trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm mang lại lợi suất 4.76%.
“Lợi suất của trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng”, ông Ackman chia sẻ. “Tôi không biết liệu kỳ hạn 10 năm có tăng vượt xa mốc 5% hay không, vì tôi đang thấy một số tín hiệu suy yếu của nền kinh tế.
Vị chuyên gia đầu tư này nhận định đối với những ai đã vay ngắn hạn ở mức lãi suất cố định thấp và sắp phải vay mới, nhất là trong lĩnh vực bất động sản thương mại, họ sẽ phải đối mặt với giai đoạn cực kỳ thách thức.“Tôi nghĩ đây là một rủi ro lớn cho nền kinh tế”, ông nói.
Ngoài ra, kinh tế Mỹ còn đón nhận thêm một tín hiệu xấu khi chỉ số cổ phiếu vốn hóa nhỏ trên Phố Wall quay đầu giảm trong năm 2023.
Chỉ số cổ phiếu vốn hóa nhỏ Russell giảm 1.6% trong phiên 02/10 và tính từ đầu năm, chỉ số này đã giảm 0.2%. Còn nếu so với đỉnh 52 tuần, Russell 2000 đã giảm 12.5%. Trong khi đó, hai chỉ số vốn hóa lớn S&P 500 và Nasdaq Composite tăng tương ứng 11% và 26%.
Sự yếu ớt của Russell 2000 so với thị trường chung cho thấy những lo ngại của Phố Wall, rằng đà tăng của chứng khoán Mỹ năm 2023 chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Ở một góc nhìn khác, Russell 2000 thường được xem như một chỉ báo về tình trạng chung của nền kinh tế Mỹ. Đây là chỉ số tập trung vào các doanh nghiệp quy mô nhỏ và phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế vĩ mô. So với các doanh nghiệp vốn hóa lớn, các doanh nghiệp nhỏ cũng nhạy cảm hơn với môi trường lãi suất cao hơn và họ cũng khó vay hơn.
Theo Vũ Hạo