‘Núi nợ’ của các nước lớn đe dọa kinh tế thế giới

‘Núi nợ’ của các nước lớn đe dọa kinh tế thế giới post thumbnail image

Chủ tịch WB cảnh báo rằng rắc rối đang chồng chất, bủa vây kinh tế toàn cầu. Một trong số đó là khoản nợ công cao chưa từng có của những nước phát triển.

Theo CNBC, ông David Malpass – Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) – tin rằng “bom nợ” của các nước phát triển sẽ giáng thêm đòn lên nền kinh tế toàn cầu, vốn đang đau đầu vì lạm phát dai dẳng.

Nói với CNBC, ông Malpass nhấn mạnh rằng cần xử lý khoản nợ công cao chưa từng thấy trên toàn cầu. Đây là điều quan trọng đối với sự ổn định.

Nợ trên GDP cao kỷ lục

“Tỷ lệ nợ trên GDP của các nền kinh tế tiên tiến đang cao chưa từng thấy”, vị chủ tịch WB bình luận. Ông cho biết những quốc gia đang phát triển cũng đối mặt với vấn đề tương tự.

“Điều đó có nghĩa là các nền kinh tế sẽ phải làm việc nhiều hơn để trả lại số tiền đã vay”, ông nhận định.

Ông nhấn mạnh sự cần thiết của tính minh bạch trong việc giải quyết núi nợ đang phình to. Bởi nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với một số vấn đề như tình trạng căng thẳng của hệ thống ngân hàng và lạm phát dai dẳng.

Tỷ lệ nợ trên GDP của các nền kinh tế tiên tiến đang cao chưa từng thấy
Chủ tịch WB David Malpass

Trong một báo cáo được công bố vào tháng 12 năm ngoái, WB cho biết tổng nợ nước ngoài danh nghĩa của các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đã tăng 5,6% lên 9.000 tỷ USD.

Theo ông Malpass, lãi suất phi rủi ro tại các nền kinh tế tiên tiến đang tăng lên. Nhưng chênh lệch lãi suất đối với những quốc gia đang phát triển cũng bị nới rộng.

Lãi suất phi rủi ro là những gì các nhà đầu tư nhận được từ những khoản đầu tư không có rủi ro. “Họ luôn chọn các nền kinh tế tiên tiến đầu tiên vì chúng an toàn hơn. Những gì còn lại sẽ đổ vào các nền kinh tế đang phát triển”, ông Malpass giải thích.

Do đó, các nền kinh tế kém phát triển hơn có thể đối mặt với “vấn đề kép”. Đó là gánh nặng chi phí vay tăng lên, và không có cơ hội để đảo ngược tình hình.

“Ngân hàng đang rất bận rộn với những vấn đề quan trọng như nợ và các sáng kiến tăng trưởng. Chúng ta đang ở quý cuối cùng của năm tài chính”, ông Malpass tiết lộ.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp vỡ nợ

Hồi đầu tháng, bà Janet Yellen – Bộ trưởng Tài chính Mỹ – tiết lộ rằng theo ước tính chính xác nhất của cơ quan này, Mỹ có thể vỡ nợ sớm nhất vào ngày 1/6. Trong khi đó, suốt nhiều tuần qua, Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn bất đồng về việc nới trần nợ công của chính phủ liên bang Mỹ, hiện ở mức 31.400 tỷ USD.

Nước này đã đạt đến trần cho vay theo luật định vào tháng 1. Kể từ đó đến nay, Bộ Tài chính Mỹ phải sử dụng các biện pháp kế toán đặc biệt để bơm tiền mặt.

Theo bà Yellen, nếu Mỹ vỡ nợ, toàn bộ thành quả mà nước này đạt được trong những năm qua trong quá trình phục hồi từ đại dịch sẽ bị đe dọa. Không dừng lại ở đó, sự kiện này sẽ không chỉ kéo tụt nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Một vụ vỡ nợ sẽ làm lung lay vị thế lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu của Mỹ và châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu. Còn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, việc Mỹ vỡ nợ có thể đẩy lãi suất của những khoản vay mua xe, thế chấp và thẻ tín dụng lên cao.

Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, chưa cần nói đến việc Mỹ thực sự vỡ nợ, vấn đề này nguy hiểm ngay từ khi mới chỉ là một nguy cơ.

“Đừng nên tin rằng Fed có thể cứu nền kinh tế, hệ thống tài chính và danh tiếng của nước Mỹ trên toàn cầu khỏi những thiệt hại mà sự kiện này gây ra”, ông Powell nhấn mạnh.

Theo Thảo My

Có thể bạn quan tâm