Nỗi lo đứt gãy dòng tiền

Nỗi lo đứt gãy dòng tiền post thumbnail image

Tín dụng tăng trưởng tích cực ngay từ những tháng đầu năm là một tín hiệu quan trọng, phản ánh quá trình phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về việc kiểm soát, thắt chặt tín dụng và nguy cơ đứt gãy dòng tiền từ các doanh nghiệp.

Tín dụng tăng tốt nhờ đâu?

Tính đến cuối tháng 4-2022, tăng trưởng tín dụng toàn ngành kinh tế so với đầu năm đã đạt mức 6,75%, cao hơn 1,6 lần so với mức tăng 4,1% của cùng kỳ năm 2021. Theo đó, đã có xấp xỉ 705.000 tỉ đồng được cho vay ra nền kinh tế trong bốn tháng đầu năm nay, còn tính riêng trong tháng 4 là hơn 284.000 tỉ đồng, chiếm 40% tổng mức tăng của bốn tháng. Đáng lưu ý là trái với mọi năm tăng trưởng tín dụng thường có xu hướng giảm những tháng đầu năm, năm nay tín dụng đã tăng mạnh ngay từ tháng 1.

Cụ thể, theo số liệu cập nhật và chia sẻ từ các cơ quan quản lý, đến cuối tháng 1, tăng trưởng tín dụng đạt 2,74% so với đầu năm, mức cao nhất trong vòng 10 năm. Đến cuối tháng 2, tuy mức tăng trưởng có giảm xuống còn 1,82%, nhưng sang tháng 3 đã leo lên lại mức 4,03% và đặc biệt có dấu hiệu tăng tốc mạnh trong tháng 4. Hoạt động tín dụng tăng trưởng tích cực là một trong những dấu hiệu quan trọng cho thấy xu hướng phục hồi ổn định của nền kinh tế.

Việc hạn chế cho vay hay giảm số dư nợ vay mới của khách hàng so với các khoản vay trước đó có thể đặt các doanh nghiệp vào tình thế khó khăn và ảnh hưởng lên các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh doanh, cũng như có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ đứt gãy dòng tiền, rủi ro thanh khoản.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp bốn tháng đầu năm nay tiếp tục tăng 7,5% so với tháng trước, còn chỉ số quản trị nhà mua hàng trong tháng 4 vẫn duy trì trên mốc 50 điểm, đạt 51,7 điểm với sản lượng và việc làm tăng trở lại, cho thấy các điều kiện trong nền kinh tế tiếp tục mở rộng.

Ở hoạt động của doanh nghiệp, lũy kế bốn tháng có 49.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021, ngoài ra còn có 30.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2021. Do đó, nhu cầu vay vốn gia tăng mạnh trở lại là tất yếu.

Đơn cử như ở đầu tàu kinh tế TPHCM, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, tăng trưởng tín dụng của thành phố so với đầu năm ước đạt khoảng 7%, chủ yếu do nhu cầu vốn cho phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng, kinh tế thành phố phục hồi nhanh.

Trong đó, riêng tín dụng đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp – khu chế xuất trên địa bàn đạt trên 400.000 tỉ đồng, tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao lên đến 23,4% so với cuối năm 2021, phù hợp với hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua.

Bên cạnh đó, dù đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian gần đây, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong bốn tháng đầu năm nay vẫn tăng đến 60% so với cùng kỳ bốn tháng năm 2021, lên mức 77.262 tỉ đồng. Trong đó, nhóm bất động sản tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng 28.856 tỉ đồng, chiếm 33,75%. Cần lưu ý rằng nếu các ngân hàng mua TPDN thì giá trị TPDN này cũng được tính vào dư nợ cấp tín dụng của các ngân hàng.

Ngoài ra, không loại trừ khả năng các hoạt động tái cơ cấu nợ tăng tốc khi sắp đến hạn chót 30-6-2022 cũng góp phần làm tăng trưởng số dư tín dụng tại các ngân hàng, khi các khoản vay được tái cơ cấu có thể theo hướng lãi chưa thu được trong thời gian qua nhập luôn vào dư nợ gốc.

Riêng đứng ở góc độ khách hàng, trước xu hướng lãi suất có dấu hiệu bắt đầu đi lên trở lại, nhiều người có lẽ sẽ tranh thủ vay vốn để tận dụng lãi suất vay vẫn còn dễ chịu ở mức thấp hiện nay.

Vẫn canh cánh nỗi lo đứt gãy dòng tiền

Bất chấp diễn biến tích cực của nền kinh tế cũng như hoạt động tín dụng những tháng qua, nhiều doanh nghiệp vẫn e ngại về nguy cơ đứt gãy dòng tiền trong hoạt động kinh doanh, nhất là trước dấu hiệu các kênh tài trợ vốn cho doanh nghiệp đang đối mặt khó khăn và có dấu hiệu bị thắt chặt.

Khi dòng vốn đầu tư, kinh doanh bị “bóp” lại, hệ quả là các doanh nghiệp có thể phải đẩy nhanh tiến độ bán hàng, thậm chí bán non dự án để đảm bảo dòng tiền rút về và hoàn trả các khoản vay cho trái chủ.

Trong thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp, khách hàng khi trả nợ ngân hàng và đề nghị được vay lại, thì chỉ được xét duyệt dư nợ vay còn khoảng 70-80% so với giá trị khoản vay trước đây. Diễn biến này cho thấy những tín hiệu ngược chiều so với con số tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay.

Trong khi một số ngân hàng cho biết do tăng trưởng tín dụng đã chạm mục tiêu được giao và không còn dư địa để phát triển, vì vậy phải hạn chế số cho vay mới, thì cũng không loại trừ trường hợp các ngân hàng đang có dấu hiệu kiểm soát, thắt chặt tín dụng trước những e ngại rủi ro gần đây, cũng như thanh khoản không còn dồi dào như giai đoạn trước, phần nào làm hạn chế mục tiêu phát triển kinh doanh.

Cụ thể, theo số liệu tăng trưởng huy động vốn cập nhật gần nhất của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21-3 chỉ đạt 2,15% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng 4,03% cùng thời điểm. Hay như tại địa bàn TPHCM, tăng trưởng huy động vốn bốn tháng đầu năm chỉ đạt 2,74%, chưa đến 40% mức tăng trưởng tín dụng. Trước tình hình thanh khoản chịu nhiều áp lực trở lại, nhiều ngân hàng đã liên tiếp nâng lãi suất tiền gửi từ đầu năm đến nay.

Việc hạn chế cho vay hay giảm số dư nợ vay mới của khách hàng so với các khoản vay trước đó có thể đặt các doanh nghiệp vào tình thế khó khăn và ảnh hưởng lên các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh doanh, cũng như có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ đứt gãy dòng tiền, rủi ro thanh khoản, trong bối cảnh hoạt động sản xuất, bán hàng cũng như dòng tiền của nhiều doanh nghiệp đã gặp rất nhiều tác động tiêu cực trong đại dịch Covid-19 hơn hai năm qua.

Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản dường như đang chịu tác động nặng nề hơn cả, khi định hướng của NHNN là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dư nợ bất động sản để ngăn chặn bong bóng tài sản. Thậm chí, một số ngân hàng gần đây tạm dừng giải ngân dư nợ đối với mục đích cho vay kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, kênh tài trợ vốn quan trọng và có tính chất dài hạn là thị trường chứng khoán cũng đang gặp hạn, với thị trường cổ phiếu liên tục lao dốc còn thị trường TPDN cũng vướng phải những tai tiếng gần đây và liên tục bị cảnh báo rủi ro. Cần biết rằng lượng TPDN đã phát hành trong những năm qua là rất lớn và đang ngày càng đến gần thời điểm đáo hạn. Những chính sách siết chặt hơn ở kênh trái phiếu có thể khiến các doanh nghiệp khó có thể thực hiện các thương vụ phát hành mới để có dòng tiền chi trả cho các khoản vay đến hạn.

Khi dòng vốn đầu tư, kinh doanh bị “bóp” lại, hệ quả là các doanh nghiệp có thể phải đẩy nhanh tiến độ bán hàng, thậm chí bán non dự án để đảm bảo dòng tiền rút về và hoàn trả các khoản vay cho trái chủ, kéo theo giá các tài sản sụt giảm, lao dốc mạnh là điều sớm muộn.

Theo Thụy Lê

Có thể bạn quan tâm