Điều tồi tệ nhất trên thị trường trái phiếu toàn cầu có thể sẽ sớm kết thúc, với nguồn cung giảm nhanh hơn nhu cầu, theo JPMorgan Chase & Co.
Nguồn cung trái phiếu trên toàn cầu dự kiến giảm 1.6 ngàn tỷ USD trong năm 2023, trong khi nhu cầu ước giảm chỉ khoảng 700 tỷ USD, nhóm chiến lược của JPMorgan cho biết. Mức giảm 700 tỷ USD trong nhu cầu thấp hơn nhiều so với con số 5.9 ngàn tỷ USD của năm ngoái.
Năm 2022, giá trái phiếu giảm mạnh ở khắp nơi trên thế giới và rơi vào thị trường giá xuống lần đầu tiên trong một thế hệ (thường kéo dài 20 – 30 năm) khi làn sóng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đẩy lợi suất trái phiếu và mức độ biến động lên cao.
Theo một chỉ số của Bloomberg, giá trái phiếu toàn cầu đã giảm 16% kể từ đầu năm 2022 đến nay, và đang hướng tới năm giảm đầu tiên kể từ ít nhất là năm 1990. Tuy nhiên, chỉ số này đã tăng hơn 5% trong riêng tháng 11/2022 khi giới đầu tư bị thu hút bởi lợi suất cao và thị trường kỳ vọng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới.
Các chiến lược gia của JPMorgan cho hay: “Sau đợt giảm chưa từng thấy của năm nay, chúng tôi dự đoán sự cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường trái phiếu sẽ cải thiện. Với việc giới phân tích tập trung vào triển vọng của năm 2023, thị trường đang xuất một quan điểm được nhiều người đồng thuận, đó là: tăng trưởng chậm lại và lạm phát suy yếu sẽ góp phần kéo giảm lợi suất trái phiếu.
Theo nhóm chiến lược gia này, các ngân hàng trung ương có thể sẽ tiếp tục bán kho trái phiếu của họ thông qua chương trình thắt chặt định lượng vào năm 2023. Các ngân hàng thương mại cũng được cho là sẽ tiếp tục giảm nắm giữ trái phiếu. Trong khi đó, nhu cầu từ các quỹ dự trữ nước ngoài, quỹ hưu trí và nhà đầu tư cá nhân có thể sẽ tăng lên, đặc biệt là nhu cầu từ quỹ hưu trí và nhà đầu tư cá nhân – hai đối tượng dễ bị thu hút bởi lợi suất cao.
Việc nhu cầu ròng gia tăng trong năm 2023 có thể khiến lợi suất của những trái phiếu mà chỉ số Bloomberg Global Aggregate bond theo dõi giảm 40 điểm cơ bản, từ mức hiện tại là 3.52%, theo các chiến lược gia của JPMorgan.
Theo Kim Dung