Nhiều chính sách mới sẽ tác động đến thị trường bất động sản năm 2023

Nhiều chính sách mới sẽ tác động đến thị trường bất động sản năm 2023 post thumbnail image

Các chuyên gia nhận định, năm 2023, một số chính sách mới liên quan khung giá đất, đánh thuế bất động sản, hồ sơ chào bán, pháp lý dự án… dự báo sẽ mang đến những tác động lớn với thị trường bất động sản.

Trên thực tế, từ năm 2022 đã có nhiều nghị quyết, nghị định mới ban hành liên quan đến chính sách cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên với “độ trễ” thông thường, những chính sách này sẽ có nhiều tác động với thị trường kể từ năm 2023.

Đầu tiên phải kể đến Nghị định 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản và Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng. Cả 2 nghị định này được ban hành vào cuối tháng 6 và hiệu lực giữa tháng 8/2022 với những điểm mới đáng chú ý.

Theo đó, nghị định quy định rõ việc sử dụng thông tin dữ liệu thị trường nhà ở; yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp thông tin về dự án và lượt giao dịch bất động sản cho Sở Xây dựng; yêu cầu công khai giấy tờ pháp lý dự án bất động sản và thông tin về thị trường nhà ở. Việc công khai các thông tin về thị trường nhà ở sẽ giúp thị trường lành mạnh và phát triển bền vững hơn – nhiều chuyên gia chung nhận định.

Đối với quy định sử dụng thông tin dữ liệu thị trường nhà ở, Nghị định cũng nêu rõ hình thức khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản gồm: dữ liệu online từ cổng thông tin của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (đường link: https://www.batdongsan.xaydung.gov.vn) hoặc qua cổng thông tin điện tử của các sở xây dựng.

Đáng chú ý, Điều 18 của Nghị định 44/NĐ-CP cũng yêu cầu các chủ đầu tư dự án bất động sản phải cung cấp thông tin, dữ liệu về dự án, sản phẩm đủ điều kiện giao dịch và lượt giao dịch bất động sản cho Sở Xây dựng theo biểu mẫu trong mỗi kỳ báo cáo.

Cụ thể là các thông tin kê khai, dữ liệu về dự án, cơ cấu loại bất động sản của dự án cần được thực hiện trước khi có thông báo khởi công hoặc trước khi được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện dự án. Cùng đó là các thông tin kê khai về bất động sản đủ điều kiện giao dịch, đăng tải văn bản thông báo của Sở Xây dựng về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai phải được thực hiện trước khi chủ đầu tư đưa sản phẩm trong dự án ra giao dịch.

Những biểu mẫu kê khai, cung cấp thông tin cũng rất cụ thể, rõ ràng đối với từng trường hợp như: chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án và phải điều chỉnh, sửa đổi lại thông tin, dữ liệu về dự án. Hoặc kê khai, cung cấp thông tin, dữ liệu về tình hình giao dịch bất động sản của dự án. Trường hợp sàn giao dịch cung cấp thông tin, dữ liệu thì các biểu mẫu kê khai, cung cấp dữ liệu, thông tin nói trên phải gửi về Sở Xây dựng nơi có bất động sản phát sinh giao dịch.

Đối với yêu cầu công khai thông tin về thị trường nhà ở, địa chỉ tiếp nhận việc chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu là Cổng thông tin của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản tại: http://www.batdongsan.xaydung.gov.vn.

Như vậy, Nghị định 44/2022/NĐ-CP sẽ góp phần minh bạch thông tin thị trường bất động sản, giúp cơ quan quản lý có thể tham gia điều tiết thị trường, kiểm soát pháp lý dự án, giúp người mua nhà có cơ sở thông tin, dữ liệu về dự án, tránh các trường hợp mua sản phẩm dự án chưa đủ điều kiện mở bán. Đây cũng sẽ là những cơ sở tạo niềm tin cho người mua nhà, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Một trong những chính sách quan trọng được quan tâm phải kể đến Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao có những điểm mới về chính sách đất đai đáng lưu ý.

Trong số đó có việc hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; bỏ khung giá đất, có phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; người sở hữu nhiều nhà, đất sẽ đánh thuế cao hơn; giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; cơ sở tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất theo quy định.

Cùng đó, người dân bị thu hồi đất sẽ có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời, quy định chế độ sử dụng đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, việc sửa Luật Đất đai vừa kế thừa, phát huy các quy định của pháp luật về đất đai đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn, vận hành thông suốt, vừa khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Các chính sách mới về đất đai theo Nghị quyết 18-NQ/TW hướng tới bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất, giảm thiểu tiêu cực về đất đai. Cùng đó, giảm thiểu được lãng phí, tiêu cực; giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện có liên quan đến đất đai; đất đai sẽ được sử dụng hiệu quả và bền vững hơn, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Nghị quyết 18-NQ/TW giúp quyền lợi của người dân được đảm bảo hơn, việc sử dụng đất linh hoạt hơn, tiếp tục thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Đặc biệt, nghị quyết này cũng giúp nhà đầu tư biết rõ các trường hợp cần đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất từ đó chủ động hơn trong sản xuất và kinh doanh; có thể trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; được tiếp cận đất đai linh hoạt hơn dưới tác động của chính sách mở rộng hạn mức và đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và thị trường cho thuê đất nông nghiệp được phát triển…

Ngoài ra nhà đầu tư còn giảm được chi phí sử dụng đất khi thủ tục hành chính về đất đai được cải thiện; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm được đổi mới và tăng cường; kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng được siết chặt; nguồn lực đất đai cho sản xuất và kinh doanh được giải phóng khi những khó khăn, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất được xử lý triệt để và tình trạng đầu cơ đất đai, không đưa đất vào sử dụng được hạn chế do có các chế tài cụ thể và đủ mạnh được đưa ra…

Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, vừa kế thừa, phát huy các quy định của pháp luật về đất đai đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng đắn, vận hành thông suốt, vừa khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, vừa phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài, bảo đảm tính khả thi, minh bạch, hài hòa lợi ích quốc gia, công cộng, lợi ích của doanh nghiệp, của người dân, để đất đai thực sự trở thành nguồn lực quan trọng đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Dưới góc độ tài chính, các chuyên gia nhận xét, Nghị định 65/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 16/9/2022 nhằm sửa đổi bổ sung Nghị định 153/NĐ-CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ cũng có nhiều điểm mới đáng chú ý, chủ yếu liên quan đến các đối tượng tham gia vào thị trường này. Trong số đó, đã nâng cao tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp; tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư; yêu cầu chặt hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành; xếp hạng tín nhiệm bắt buộc trong trường hợp cụ thể.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP về thị trường trái phiếu sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp bất động sản có năng lực, uy tín dễ dàng hơn trong việc huy động vốn. Theo các chuyên gia, những điểm mới của Nghị định 65/2022/NĐ-CP nhằm tăng trách nhiệm của nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Đơn cử như việc nhà đầu tư phải đọc bản công bố thông tin và tự kí xác nhận việc tiếp nhận đầy đủ những thông tin doanh nghiệp công bố; đồng thời, hiểu pháp luật và chịu trách nhiệm về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…

Ngoài ra, các quy định trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP cũng được làm chặt chẽ hơn như nhà đầu tư sẽ không được tham gia vào các hợp đồng cùng đầu tư trái phiếu do nhà đầu tư chuyên nghiệp khác rao bán. Nghị định mới cũng quy định rõ về việc thiết lập một trường thứ cấp để giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, đặt ra lộ trình để đưa trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ vào giao dịch trên thị trường này…

Nhìn chung, điểm tích cực của Nghị định 65/2022/NĐ-CP là giúp thị trường trái phiếu của Việt Nam phát triển thực chất hơn, tạo cơ sở cho các doanh nghiệp công bố công khai, minh bạch thông tin huy động được nguồn vốn trung và dài hạn hiệu quả trên thị trường. Với lĩnh vực bất động sản thì đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp có năng lực, uy tín huy động vốn để triển khai những dự án chất lượng, khơi thông nguồn cung, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm ngày càng cao của người dân.

Theo ông Simon Chen – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (Visrating), Nghị định 65/2022/NĐ-CP thu hẹp cách biệt về hồ sơ yêu cầu giữa phát hành trái phiếu ra công chúng và riêng lẻ. Nghị định 65/2022/NĐ-CP cũng hướng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu công chúng có khuôn khổ phát hành và giám sát phát triển hơn, theo đó sẽ bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư.

Các chính sách mới về đất đai, minh bạch thị trường, thuế, trái phiếu… trong các Nghị định, Nghị quyết mới được ban hành sẽ giúp thị trường bất động sản 2023 có nhiều “điểm sáng” từ việc cải thiện tâm lý người mua, nhà đầu tư cũng như gia tăng niềm tin của người dân vào thị trường, chính sách quản lý. Đây là những yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Theo Thu Hằng

Có thể bạn quan tâm