Nhà đầu tư đổ xô rút tiền, nhiều quỹ mở tạm ngưng mua lại chứng chỉ quỹ

Nhà đầu tư đổ xô rút tiền, nhiều quỹ mở tạm ngưng mua lại chứng chỉ quỹ post thumbnail image

Nhiều quỹ đầu tư mở (open ended) đột nhiên kẹt thanh khoản giữa lúc nhiều nhà đầu tư đổ xô rút vốn khỏi quỹ, trong khi tài sản của các quỹ đầu tư này không dễ bán lại. Nhiều quỹ bị thiếu thanh khoản đến nỗi phải tạm ngưng mua lại chứng chỉ quỹ từ các nhà đầu tư.

Hàng loạt quỹ quản lý nợ tư nhân mất thanh khoản

Ngày 10/11, Romspen – một trong những công ty quản lý nợ tư nhân lớn nhất của Canada và đang quản lý khối tài sản 3.2 tỷ USD – quyết định tạm ngừng mua lại chứng chỉ quỹ từ các nhà đầu tư. Nguyên nhân là vì những bên đi vay của Romspen chưa thanh toán nợ đúng hạn.

Trong lĩnh vực quỹ mở (open-ended), động thái ngừng mua lại chứng chỉ quỹ chính là để ngăn nhà đầu tư rút tiền khỏi quỹ. Theo quy định, Romspen chỉ mua lại một lượng chứng chỉ quỹ nhất định từ nhà đầu tư mỗi tháng.

Công ty không nói rõ đợt tạm ngừng này sẽ kéo dài bao lâu. Thay vào đó, Romspen nói với nhà đầu tư rằng “sẽ tạm ngừng thực hiện các yêu cầu rút tiền từ phía khách hàng cho tới khi Công ty biết rõ hơn về thời điểm người đi vay trả nợ và thời điểm thu tiền từ bán tài sản thế chấp”.

Danh mục của Romspen chủ yếu bao gồm các khoản cho vay trong lĩnh vực xây dựng và khoản vay để thực hiện dự án. Công ty hoạt động chủ yếu ở thị trường Mỹ, Canada. Trong lá thư gửi tới nhà đầu tư, Romspen cảnh báo “nếu yêu cầu rút vốn vẫn ở mức cao, bên được ủy thác có thể phải thực hiện các biện pháp quản lý thanh khoản tạm thời khác”.

Danh mục các khoản cho vay của Romspen trong lĩnh vực bất động sản tính tới ngày 30/06/2022

Derek Jenkin, đối tác quản lý của Romspen cho biết, nguyên nhân của quyết định tạm ngừng mua lại chứng chỉ quỹ đến từ sự thay đổi đột ngột trong doanh số và hoạt động tái tài trợ.

“Khi lãi suất thay đổi nhanh chóng trong vài tháng qua, nhiều giao dịch đã bị trì hoãn hoặc gián đoạn. Điều này tạo ra lỗ hổng rất lớn”, ông viết. “Dòng tiền ngắn hạn và việc phân bổ dòng tiền của Công ty sẽ bị ảnh hưởng vì nhiều thương vụ lẽ ra được thực hiện quanh khoảng thời gian đó lại bị trì hoãn”.

Quyết định tạm ngưng mua lại chứng chỉ quỹ cho thấy tình cảnh căng thẳng ngày càng leo thang tại Romspen. Trước đó, trong tháng 10/2022, họ chỉ hạn chế mua chứng chỉ quỹ từ nhà đầu tư vì “nhu cầu rút tiền cao bất thường”.

Nợ tư nhân là một trong những lĩnh vực nóng nhất trong lĩnh vực quản lý tài sản trong 10 năm qua, vì nhiều công ty quản lý nợ tư nhân – bao gồm cả Romspen, Ninepoint Partners LP và Bridging Finance – trả lợi suất rất hấp dẫn, thường lên tới 8%/năm, trong khi lãi suất của các NHTW gần bằng 0%. Trong 12 tháng qua, lợi suất của Romspen ở mức 8.2%.

Với các quỹ quản lý nợ tư nhân, rắc rối sẽ xảy ra khi nhà đầu tư đột ngột yêu cầu mua lại chứng chỉ quỹ với giá trị lớn. Điều này là do các khoản cho vay của họ không thể được thanh lý một cách dễ dàng. Trong trường hợp của Romspen, một khoản vay thế chấp có thể gắn liền với một dự án bất động sản có thể mất vài tháng hoặc vài năm để hoàn tất.

Đây không phải lần đầu tiên Romspen tạm ngưng mua lại chứng chỉ quỹ từ nhà đầu tư. Hồi tháng 4/2020, công ty này đã ngừng dịch vụ vì có quá nhiều bất ổn xoay quanh các đợt phong tỏa vì dịch bệnh.

Tuy nhiên, bối cảnh giữa hai đợt tạm ngưng lại hoàn toàn khác nhau. Trong năm 2020, các NHTW đồng loạt giảm lãi suất về 0 và bơm tiền vào nền kinh tế. Trong khi đó, năm 2022, các NHTW lại nâng mạnh lãi suất và rút tiền khỏi nền kinh tế.

Trước đó, làn sóng rút vốn ồ ạt cũng diễn ra tại Ninepoint Partners – quỹ quản lý tài sản hoạt động tương tự với Romspen tại Canada. Ninepoint cũng đã tạm ngưng mua lại chứng chỉ quỹ với 4 quỹ tín dụng tư nhân của họ. Ninepoint cho rằng cuộc khủng hoảng thanh khoản xuất phát từ nỗi lo sợ của nhà đầu tư liên quan tới vụ bê bối của Bridging Finance.

Bridging Finance – công ty quản lý nợ tư nhân với tài sản hơn 2 tỷ USD – bị cáo buộc lừa đảo và hiện đang bị điều tra. Theo ước tính trong trường hợp của Bridging Finance, các nhà đầu tư đã thua lỗ hơn 1 tỷ USD. Theo Ninepoint, cú sụp của Bridging khiến nhiều nhà đầu tư suy nghĩ lại về lĩnh vực tín dụng tư nhân ở Canada.

Câu chuyện tương tự ở quỹ trái phiếu

Không chỉ lĩnh vực nợ tư nhân, câu chuyện mất thanh khoản vì khách hàng rút đột ngột cũng từng diễn ra ở lĩnh vực trái phiếu vào tháng 3/2020.

Theo một báo cáo của Cơ quan Chứng khoán và Thị trường châu Âu (ESMA), rủi ro lan truyền đang diễn ra với các quỹ trái phiếu tại châu Âu, khi nhà đầu tư đồng loạt rút vốn thông qua hình thức bán lại chứng chỉ quỹ. Dòng vốn rút ra trong tháng 3/2020 cũng lập kỷ lục.

Tại thời điểm đó, các quỹ không có đủ thanh khoản để đáp ứng yêu cầu mua lại chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư.

“Lượng rút vốn khỏi các quỹ trái phiếu chạm mức kỷ lục trong tháng 3/2020, dẫn tới tổng tài sản ròng (NAV) của các quỹ trái phiếu này bị rút 4% trong quý 1/2020”, trích từ báo cáo của ESMA. “Một số nhà quản lý quỹ quyết định tạm ngừng mua lại chứng chỉ quỹ của các nhà đầu tư, chủ yếu là vì rắc rối về định giá và trong một số trường hợp là do dòng vốn rút ra quá lớn. Từ tháng 3-5/2020, khoảng 200 quỹ EU và Anh (trong số 60,000 quỹ) buộc phải tạm ngưng mua lại chứng chỉ quỹ”.

Joanna Davies, Tổng Giám đốc Công ty Traiana, trực thuộc CME Group, cho biết “cố gắng bán chứng khoán lấy tiền kịp lúc luôn luôn là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn trong bối cảnh thị trường biến động cùng cực”.

Thách thức từ sự trật khớp về thanh khoản cũng có thể dẫn tới tình trạng lan truyền rủi ro. Trong báo cáo có tên “mối liên kết trong ngành quỹ đầu tư tại EU”, Massimo Ferrari, Chuyên gia kinh tế trong đội ngũ nghiên cứu về ổn định tài chính tại ESMA, cho biết sự lan truyền rủi ro có thể xuất phát từ việc suy giảm thanh khoản trên thị trường trái phiếu, cộng với tình trạng rút vốn mạnh từ phía các nhà đầu tư tổ chức ở EU.

Nỗi lo sẽ lớn hơn “nếu một số quỹ đầu tư chấp nhận cho nhà đầu tư rút tiền hàng ngày nhưng lại đi đầu tư vào các loại tài sản kém thanh khoản. Trong trường hợp bị yêu cầu mua lại với khối lượng lớn, các nhà quản lý quỹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bán bớt tài sản. Điều này có thể gây áp lực giảm giá với tài sản đó”.

Theo Thiên Vân

Có thể bạn quan tâm