Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ sẽ chính thức thu mua vàng trở lại sau hai năm gián đoạn. Nhưng một số nhà phân tích cảnh báo rằng viễn cảnh Nga bán vàng ra thị trường sẽ không còn xa khi đất nước này đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và đồng rúp lao dốc.
Vào Chủ nhật, ngân hàng trung ương Nga thông báo rằng họ sẽ tiếp tục mua vàng từ thị trường nội địa trong nỗ lực thiết lập lại trật tự tài chính. Động thái này diễn ra trong bối cảnh hàng loạt các lệnh trừng phạt mới được đưa ra sau cuộc tấn công toàn diện của Moscow vào Ukraine.
Nền kinh tế Nga đang bắt đầu cảm thấy sự cô lập sau khi phương Tây thực hiện các lệnh trừng phạt trừng phạt ngân hàng trung ương của Nga và loại trừ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.
Trong khi đó, vàng đã tăng giá để phản ứng với cuộc chiến, khi mà các nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn. Vào tháng 2, giá vàng đã tăng 120 USD, với giá vàng kỳ hạn tháng 4 trên sàn Comex giao dịch lần cuối ở mức 1.926,40 USD / ounce.
Ngoài những bất ổn về địa chính trị, việc ngân hàng trung ương mua nhiều vàng hơn cũng thường là động lực tăng giá tốt. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng việc mua thêm vàng của Nga có thể chỉ là tiền đề trước một đợt bán lớn. .
Người đứng đầu MKS PAMP SA, Nicky Shiels, cho biết Nga có thể sẽ tiếp tục mua vàng trong nước để thúc đẩy cuộc chiến, đây là động lực tăng giá ngắn hạn cho kim loại này, nhưng có khả năng chỉ là vấn đề thời gian trước khi Nga bắt đầu bán vàng dự trữ của mình.
“[Nga] sẽ tiếp tục mua vào Vàng (và Paladi – ‘hay các kim loại quý’), để củng cố cho chiến tranh. Điều đó có thể được thị trường xem là động lực tăng giá ban đầu (khi họ hiểu đây là động thái mua tích trữ), nhưng mục đích của việc mua vàng (ở thị trường trong nước) chính là để tăng thanh khoản và bán chúng ra khi có nhu cầu”, Shiels cho biết trong một ghi chú. “Nga tích trữ lượng lớn vàng và ngoại hối lớn đến vậy (140 tỷ đô la, 74 triệu oz vàng) là để cho những thời điểm như thế này”.
Và nỗi sợ hãi về việc Nga bán lượng vàng dự trữ khổng lồ sẽ đè nặng lên thị trường trong tương lai, đặc biệt là nếu đồng rúp tiếp tục lao dốc, Shiels chỉ ra.
Quyết định tiếp tục mua vàng của Nga được đưa ra gần hai năm sau khi ngân hàng trung ương nước này dừng chương trình mua vàng trong nước. Đây là thời điểm giá vàng tăng vọt do đại dịch bùng phát.
Trước đó, Nga đã dành nhiều năm để tăng cường dự trữ vàng. Năm ngoái, giá trị vàng dự trữ của Nga đã lần đầu tiên vượt qua mức nắm giữ đô la Mỹ của quốc gia này. Vào cuối tháng 6 năm 2020, tổng dự trữ vàng của quốc gia này đã chiếm mức 22,9% trong dự trữ ngoại hối.
Điều này thể hiện chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc phi đô la hóa nền kinh tế Nga và bảo vệ nền kinh tế này khỏi các lệnh trừng phạt khác.
Theo dữ liệu mới nhất của IMF, tính đến cuối tháng 1, Nga nắm giữ gần 2.300 tấn vàng – quốc gia sở hữu vàng có chủ quyền lớn thứ năm trên thế giới.
Theo Hoang Nhan