Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, chính sách tiền tệ Việt Nam sẽ ra sao?

Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, chính sách tiền tệ Việt Nam sẽ ra sao? post thumbnail image

Số liệu lạm phát lõi trong tháng 8/2023 của Mỹ tăng cao hơn dự báo trước đó, dấy lên lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ có thể đảo chiều theo Fed hay giữ nguyên như hiện tại?

Fed còn tăng lãi suất nữa không?

Thị trường hiện gần như chắc chắn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 9/2023, với xác suất hơn 90%. Trong khi đó, xác suất nâng lãi suất vào tháng 11 đang ở mức 43.5%, theo CME Group.

Tuy nhiên, ngày 13/09/2023 vừa qua, số liệu công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ có mức tăng hàng tháng mạnh nhất trong năm nay, do giá năng lượng và nhiều hàng hóa khác tăng mạnh. Trong tháng 8, chỉ số CPI của Mỹ tăng 0.6% so với tháng trước và tăng 3.7% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn dự báo tăng 0.6% và 3.6% từ kết quả thăm dò của Dow Jones.

Khi loại bỏ thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0.3% so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0.2%. Nếu so với cùng kỳ, CPI lõi tăng 4.3%, khớp với dự báo.

Các quan chức Fed tập trung nhiều hơn vào lạm phát lõi, vì đây là chỉ báo đáng tin cậy hơn về hướng đi của lạm phát trong dài hạn.

Từ năm 2022, Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 5.5 điểm phần trăm, đồng thời thực hiện thắt chặt định lượng. Theo các chuyên gia kinh tế, các động thái này đã đủ để hạ nhiệt lạm phát.

Tuy nhiên, các quan chức Fed hiện đang phân vân liệu có tiếp tục nâng lãi suất hay không khi nền kinh tế dường như vẫn chưa hạ nhiệt đúng như họ dự tính.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cho rằng, Mỹ đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong vòng 22 năm qua. Fed vẫn hy vọng dùng lãi suất để khống chế lạm phát, vì thế, có thể trong các cuộc họp tháng 9, 10 này sẽ có thể tăng thêm một lần nữa, khoảng 0.25%.

“Tuy nhiên, việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh, từ đó làm cho sản xuất trì trệ. Đây cũng là một trong những vấn đề tôi đã nói từ năm ngoái, trong tháng 9 – 10/2022 khi tình hình lạm phát Mỹ tăng, lãi suất sẽ tăng và tiếp diễn trong năm 2023”, ông Thịnh nhắc lại.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) cho biết, hiện tại các quan chức Fed vẫn chia làm 2 phía về việc có tiếp tục tăng lãi suất nữa hay không; nhưng nếu chỉ số lạm phát cao, khả năng sẽ nghiêng về phía tăng lãi suất; có thể không phải trong cuộc họp tháng 9 mà trong các cuộc họp tiếp theo. Vì Mỹ kiên định với chính sách lạm phát mục tiêu, nếu lạm phát tăng cao, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục duy trì tăng lãi suất.

VND có thể mất giá 2-3% so với USD

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khi Fed tăng lãi suất, đồng USD sẽ lên giá ngay. Thế nhưng, do lãi suất đã tăng từ năm ngoái nên chi phí vốn cũng tăng lên, mà lãi suất tăng thì tiêu dùng của người dân sẽ giảm. Chi phí sản xuất tăng, giá thành hàng hóa tăng theo, người dân sẽ giảm chi tiêu, kéo theo hàng hóa sản xuất ra càng khó bán.

Về cơ bản, chính sách ổn định tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn sẽ thực hiện được một cách không quá khó khăn.

Một số chuyên gia cho rằng khi lãi suất tăng như thế, đồng USD lên giá, sẽ gây sức ép lên tỷ giá và làm cho VND mất giá. Nếu Việt Nam tiếp tục giảm lãi suất thêm nữa, VND lại càng mất giá. Thế nhưng hiện tại, VND vẫn giữ giá và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chưa cần can thiệp, chưa phải bán USD thì rõ ràng đồng USD lên giá rồi sẽ xuống.

Thêm vào đó, vì tự bản thân nền kinh tế Mỹ cũng kéo giá trị đồng USD xuống, nên Việt Nam vẫn có thể giữ ổn định VND và lãi suất của Việt Nam vẫn có thể hạ theo mong muốn từ 1.5-2% so với đầu năm hoặc hơn. Nếu VND mất giá so với USD thì vẫn chỉ xoay quanh 2-3%.

TS. Nguyễn Hữu Huân đánh giá trường hợp Mỹ tăng lãi suất cũng sẽ tăng chậm nên Việt Nam vẫn sẽ có thời gian để đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp.

Thực ra, chính sách tiền tệ của Việt Nam không còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, khi Mỹ tăng lãi suất, có thể Việt Nam không tăng theo nhưng sẽ hạn chế việc giảm lãi suất. Hiện nay, mặt bằng lãi suất của Việt Nam đã về thời điểm trước dịch COVID-19, không cần thiết phải giảm lãi suất để kích thích kinh tế, mà nên tập trung vào chính sách tài khóa nhiều hơn.

Do vậy, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ vẫn có thể duy trì như hiện tại, hoặc khi áp lực lên tỷ giá hoặc lạm phát trong nước quá cao, lúc đó mới bắt đầu cân nhắc đến việc tăng lãi suất trở lại.

Theo Cát Lam

Có thể bạn quan tâm