Lượng vàng tích trữ của các ngân hàng trung ương cao kỷ lục

Lượng vàng tích trữ của các ngân hàng trung ương cao kỷ lục post thumbnail image

Theo báo cáo từ Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương trong quý I đã tăng 176% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kitco trích dẫn nguồn tin từ Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho biết các ngân hàng trung ương đã bổ sung 228 tấn vàng vào kho dự trữ trong quý I năm nay, đánh dấu tốc độ tăng khối lượng vàng tích trữ cao kỷ lục trong ba tháng đầu năm kể từ khi việc thu thập dữ liệu bắt đầu diễn ra vào năm 2000.

Con số này đã tăng 176% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 45% so với quý IV/2022 và đánh dấu quý thứ hai liên tiếp giảm. Để so sánh, các ngân hàng trung ương đã mua 417 tấn vàng trong quý cuối năm ngoái.

Bức tranh tổng thể về nhu cầu vàng trong quý I/2023. Nguồn: Metals Focus; Hội đồng vàng thế giới (GoldHub).

Những quốc gia mua vàng nhiều nhất

Chia nhỏ các con số từ báo cáo của quý I, có bốn ngân hàng trung ương đứng vai trò lớn nhất trong việc mua vàng.

Trong đó, Singapore là quốc gia mua vàng nhiều nhất, với 69 tấn vàng đã được mua trong quý I, WGC cho biết trong báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng được công bố vào ngày 5/5 vừa qua.

Động thái này đánh dấu lần tăng sản lượng mua vàng đầu tiên của Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) kể từ tháng 6/2021. Điều này cho thấy thực tế không chỉ các thị trường mới nổi mới quan tâm đến kim loại quý.

Trung Quốc là nước mua vàng lớn thứ hai trong quý vừa qua, với 58 tấn được mua. WGC cho biết: “Kể từ khi bắt đầu báo cáo mua vàng vào tháng 11/2022, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bổ sung 120 tấn vào kho dự trữ vàng, nâng tổng số lên 2.068 tấn”.

PBoC cũng tiếp tục mua thêm 8 tấn vàng trong tháng 4, đánh dấu động thái mua vàng dự trữ liên tiếp trong 6 tháng, WGC cho biết thêm.

Đứng thứ 3 về khối lượng vàng mua được trong quý đầu năm nay là Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp tình trạng bán ra trong tháng 3 của ngân hàng trung ương nước này. Sau khi trở thành nước mua vàng số một vào năm ngoái, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã mua thêm 30 tấn trong quý 1.

WGC cho biết tổng lượng mua vàng của quốc gia này trong 2 tháng đầu năm là 45 tấn, rồi sau đó bán 15 tấn vàng vào tháng 3 (lần đầu bán kể từ tháng 11/2021).

Tương tự, Ấn Độ đã tăng dự trữ vàng thêm 7 tấn trong quý I, nâng tổng lượng vàng nắm giữ lên 795 tấn. Các nước mua vàng đáng chú ý khác còn có Cộng hòa Séc với 2 tấn và Philippines với 1 tấn.

Còn tại Việt Nam, WGC cho biết nhu cầu mua vàng đã giảm 12%, từ 19,6 tấn trong quý I/2022 xuống còn 17,2 tấn trong quý I năm nay. Trong đó, nhu cầu vàng miếng giảm 10%, từ mức 14 tấn xuống còn 12,6 tấn trong 3 tháng đầu năm. Nhu cầu vàng trang sức giảm 18%, từ 5,6 tấn xuống còn 4,6 tấn.

Giải thích cho sự suy giảm nhu cầu vàng ở Việt Nam, ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) đồng thời là Giám đốc phụ trách toàn cầu về ngân hàng trung ương của WGC, cho rằng sự suy giảm nhu cầu trang sức vàng ở Việt Nam một phần do tác động từ hiệu ứng cơ sở. Quý I/2022 là quý có nhu cầu mua vàng trang sức trong nước mạnh nhất kể từ năm 2007.

Tuy nhiên, diễn biến năm nay có sự thay đổi khi sức mua vàng trang sức của người Việt đầu năm chỉ tích cực vào dịp Tết Nguyên đán rồi giảm dần trong tháng 2-3 do giá kim loại quý tăng cao.

Đà mua có kéo dài?

Trái ngược với xu hướng mua vào kể trên, cũng có những quốc gia bán vàng nhiều nhất trong quý vừa qua, bao gồm Kazakhstan bán ra 20 tấn vàng và Uzbekistan bán ra 15 tấn.

WGC cho rằng không lạ khi các ngân hàng trung ương này có thể mua vàng từ các nguồn cung dồi dào trong nước, nên họ (Kazakhstan và Uzbekistan) thường xuyên bán vàng là điều dễ hiểu.

Ngoài ra Campuchia cũng là nước bán vàng nhiều tiếp theo, khi giảm 10 tấn trong quý I. Nối ngay sau là UAE và Tajikistan, mỗi nước cũng đã giảm 1 tấn.

Theo Lobo Tiggre, biên tập viên của tờ The Independent Speculator, với việc giá vàng thế giới đang trong xu hướng tăng, liên tục neo trên mốc 2.000 USD/ounce vào cuối quý I, một số ngân hàng trung ương quyết định bán vàng ra là điều dễ hiểu.

Còn theo ông Frank Holmes, Giám đốc điều hành của US Global Investors kiêm Chủ tịch điều hành của HIVE Blockchain, tốc độ mua chậm hơn trong quý I cho thấy nhu cầu tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương có thể đang giảm xuống. Bên cạnh đó, xu hướng này cũng có thể là chỉ báo về việc động thái liên tục tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương sắp kết thúc.

Tuy nhiên, WGC dự báo nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục vững chắc đến cuối năm nhưng tốc độ này sẽ thấp hơn mức cao kỷ lục của năm 2022.

Báo cáo của WGC cho biết thêm việc mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn mạnh mẽ, rất ít dấu hiệu cho thấy sẽ thay đổi trong ngắn hạn. Nhưng tốc độ chính xác của việc mua ròng này rất khó xác định.

“Không có gì đảm bảo rằng sự khởi đầu tốt trong quý I sẽ được duy trì đến cuối năm”, báo cáo WGC chỉ ra.

Theo Thiên An

Có thể bạn quan tâm