Lại xuất hiện thêm một tín hiệu suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc, từ đó đặt ra câu hỏi liệu Chính phủ nước này đã nới lỏng chính sách đủ để xoay chuyển tình thế.
Lĩnh vực sản xuất Trung Quốc thu hẹp tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 6/2023 và lĩnh vực phi sản xất cũng suy yếu. Số lượng đơn hàng mới cũng giảm, theo dữ liệu từ cơ quan thống kê Trung Quốc công bố vào ngày 30/06. Tỷ lệ người lao động có việc cũng giảm trên diện rộng, một tín hiệu cho thấy tình trạng thiếu việc làm ngày càng trầm trọng hơn, nhất là với những người trong độ tuổi 16-24.
“Dữ liệu có thể buộc các quan chức phải nới lỏng thêm chính sách để kích thích kinh tế”, Louise Loo, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Oxford Economics, cho biết. “Hoạt động thương mại trong nền kinh tế đang tệ đi”.
Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt thách thức, bao gồm núi nợ khổng lồ, tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưỡng ở nhóm thanh niên và thị trường bất động sản chững đà hồi phục. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo các thách thức này sẽ đe dọa tới tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Trong bối cảnh căng thẳng chính trị kéo dài, các nhà sản xuất phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và điều này làm giảm vai trò công xưởng thế giới của Trung Quốc.
Số liệu ngày 30/06 là bằng chứng mới nhất cho thấy đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc đang khá bấp bênh kể từ khi Bắc Kinh gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch. Nhu cầu hàng hóa toàn cầu hạ nhiệt đáng kể khi lạm phát leo thang. Trong khi đó, sự hồi phục của nhu cầu nội địa cũng đang mất đà.
Trong tháng 6/2023, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tăng nhẹ lên 49, từ mức 48.8 trong tháng 5. Con số này cũng phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Wall Street Journal.
Trong khi đó, chỉ số về việc làm giảm xuống mức 48.2 trong tháng 6/2023, thu hẹp tháng thứ 4 liên tiếp và cho thấy thị trường lao động nước này đang căng thẳng. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng lên 20.8% trong tháng 5/2023, một phần do số lượng việc làm ở lĩnh vực sản xuất giảm mạnh.
Trước đó, Trung Quốc đã ra sức duy trì sự dẫn dắt của họ về hoạt động thương mại toàn cầu bằng cách giảm thuế cho nhà xuất khẩu và cho phép đồng nội tệ mất giá. Tuy nhiên, nhu cầu từ nước ngoài vẫn tiếp tục giảm. Chỉ số về lượng đơn hàng mới trong tháng 6 tiếp tục giảm xuống 46.4, mức thấp nhất trong 5 tháng.
Trong khi đó, hoạt động về dịch vụ – động lực chính cho sự hồi phục của Trung Quốc thời hậu dịch bệnh – tiếp tục suy yếu trong tháng 6/2023, từ 53.8 xuống 52.8. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022, thời điểm Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế COVID. Chỉ số việc làm trong lĩnh vực phi sản xuất ở mức 46.8, cũng giảm 4 tháng liên tiếp.
Số liệu kinh tế suy yếu làm dấy lên sự hoài nghi về các biện pháp kích thích khiêm tốn gần đây của Bắc Kinh. Trước đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc giảm lãi suất quá khiêm tốn và sẽ không tác động quá nhiều.
Các chuyên gia kinh tế dự báo Bắc Kinh vẫn sẽ không muốn bơm lượng lớn tín dụng vào nền kinh tế, vì nhu cầu vay đã giảm trong bối cảnh các gia đình và công ty cố gắng giảm nợ thay vì chi tiêu và đầu tư mới.
Trung Quốc cho đến nay cũng không đưa ra các gói chi tiêu tài khóa lớn như hồi khủng hoảng kinh tế năm 2008.
“Việc thiếu các gói hỗ trợ tài khóa đang đè nặng hoạt động xây dựng”, các chuyên gia kinh tế từ Capital Economics cho biết trong báo cáo gửi khách hàng vào ngày 30/06. “Ngay cả lĩnh vực dịch vụ – điểm sáng duy nhất trong năm nay – cũng giảm xuống dưới mức trước dịch”.
Trung Quốc đến nay vẫn kỳ vọng tăng trưởng GDP ở mức 5%, mặc dù số liệu liên tục cho thấy kinh tế ngày càng yếu.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo nếu không sớm đưa ra gói kích thích cụ thể, sự suy giảm về nhu cầu sẽ dần trở nên mạnh hơn”, Capital Economics cho hay.
Theo Vũ Hạo