Kinh tế toàn cầu chuẩn bị đón “gió ngược” từ xung đột Nga-Ukraine

Kinh tế toàn cầu chuẩn bị đón “gió ngược” từ xung đột Nga-Ukraine post thumbnail image

Giá hàng hóa tăng vọt, các lệnh trừng phạt diện rộng và khả năng cấm nhập khẩu năng lượng Nga đang giáng đòn tới nền kinh tế toàn cầu, vốn đã suy yếu vì dịch bệnh. Ngoài ra, xung đột Nga-Ukraine còn đẩy các NHTW vào thế khó ngay khi họ đang trong quá trình chấm dứt giai đoạn tiền rẻ.

Ở nhiều nơi, lạm phát đang tăng lên mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thị trường chứng khoán toàn cầu rớt mạnh, trong khi đồng USD tăng giá so với những loại tiền tệ khác khi nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo ngày càng nhiều về nguy cơ lạm phát đình đốn (stagflation), nhất là ở châu Âu. Lạm phát đình đốn diễn ra khi nền kinh tế có lạm phát cao trong khi tăng trưởng thấp như trong thập niên 70.

“Thật sự sẽ khó mà ngó lơ sự tương đồng giữa hiện tại và thập niên 70, khi diễn biến giá hàng hóa ngày càng giống với giai đoạn đó”, Jim Reid, Chiến lược gia tại Deutsche Bank, cho hay.

Trước đó, giới đầu tư từng tin chăc rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhanh chóng loại bỏ các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa. Nhưng giờ, các nhà đầu tư cho rằng hai cơ quan này sẽ trở nên thận trọng hơn bởi những rủi ro kinh tế mới.

Tuần trước, trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng xung đột Nga – Ukraine có thể đẩy lạm phát lên cao. Ông báo hiệu sẽ tăng lãi suất 0.25 điểm phần trăm tại cuộc họp trong tuần tới, qua đó cũng chấm dứt cho sự đồn đoán về đợt nâng lãi suất 0.5 điểm phần trăm.

“Chúng ta cần phải tỉnh táo và khẩn trương khi đưa ra quyết định vào một khoảng thời gian khó khăn”, ông Powell nhận định.

Tại Frankfurt, các quan chức ECB báo hiệu sẽ hành động thận trọng tại cuộc họp tuần này, ngay cả khi lạm phát đã tăng lên 5.8% vào tháng 2, gần gấp 3 lần mục tiêu lạm phát của cơ quan này. Giới đầu tư hiện cho rằng ECB sẽ nâng lãi suất cơ bản 0.1 điểm phần trăm vào tháng 12, thay vì 0.5 điểm phần trăm như dự báo cách đây một tháng.

Bất ổn nhất vẫn là Nga – nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, nhà cung cấp năng lượng quan trọng của châu Âu. Các quốc gia phương Tây áp đặt những lệnh trừng phạt nghiêm trọng đối với Nga. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là những biện pháp trừng phạt nặng nề nhất với một nước lớn trong nhiều thập kỷ qua.

Theo chuyên gia Christopher Smart, quan chức Bộ Tài chính và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, tình trạng hiện tại gợi nhớ về sự sụp đổ của Lehman Brothers vào tháng 9/2008.

“Chúng tôi chưa từng thấy biện pháp trừng phạt nào toàn diện, mạnh mẽ, đột ngột như thế này và nó còn áp đặt lên một nền kinh tế có quy mô lớn và quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu”, ông nhận xét.

Châu Âu, vốn phụ thuộc vào năng lượng của Nga, đang đối mặt với cuộc suy thoái thứ 3 trong vòng 2 năm. Nền kinh tế Mỹ có triển vọng lạc quan hơn, bởi Mỹ vẫn là nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và khoản tiết kiệm của hộ gia đình còn khá lớn. Tuy nhiên, ngay cả ở Mỹ, lạm phát tăng cao vẫn có khả năng ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng.

Đồng Euro đã giảm còn 1.08 USD đổi 1 Euro, mức gần thấp nhất trong vòng 5 năm. MSCI EMU – vốn theo dõi các cổ phiếu vừa và lớn tại châu Âu – cũng lao dốc 20% kể từ tháng 1/2022. Các cổ phiếu ngân hàng châu Âu bị tác động cực kỳ nặng nề, mặc dù phần liên quan trực tiếp của họ với Nga vẫn khá hạn chế.

Trên thực tế, ngay cả trước xung đột Nga-Ukraine, châu Âu đã có ít động lực phục hồi kinh tế hơn so với Mỹ, một phần là do chi tiêu Chính phủ thấp hơn.

Theo dữ liệu của ECB, chi tiêu và đầu tư của người tiêu dùng châu Âu đều thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch, trong khi Mỹ đã trở về mức trước dịch.

Các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn như Ai Cập cũng đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. Nguyên nhân là giá cả tăng cao, nguồn cung dầu hướng dương và lúa mì từ Nga bị hạn chế.

Ở Nga, các chuyên gia kinh tế dự báo GDP sẽ giảm tới 10% – một kịch bản mà Nga chưa từng trải qua kể từ thập niên 80. Cú sốc ban đầu có khả năng được nối tiếp bằng giai đoạn tăng trưởng chậm hoặc lạm phát đình đốn vì Nga đã bị cô lập về kinh tế, theo Capital Economics.

Ở Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng đang chậm lại và chi phí năng lượng cao đang gây nhiều lo ngại. Quốc gia này vẫn đang triển khai chính sách “triệt tiêu Covid” (zero-Covid-19) và chi tiêu của hộ gia đình đang khá ảm đạm. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách đang ra sức giảm bớt đòn bẩy trên thị trường nhà ở.

Theo Capital Economics, cuộc chiến ở Ukraine có thể làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng EUR tới 2 điểm phần trăm. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với doanh nghiệp Nga, làn sóng rút lui của doanh nghiệp và suy thoái kinh tế ở Nga sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu từ khu vực đồng EUR sang Nga.

Xung đột cũng tạo thêm áp lực cho các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang lao đao và khiến các công ty xuất khẩu châu Âu hứng chịu chi phí tăng cao.

Các công ty sản xuất xe hơi đang tìm cách điều chỉnh hoạt động sản xuất nhằm xoay sở trong bối cảnh thiếu nguyên liệu. Xung đột cũng ảnh hưởng tới chi tiêu của hộ gia đình bởi triển vọng tăng trưởng ảm đạm và giá cả leo thang.

“Xu hướng giá cả tăng cao sẽ tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng đến tăng trưởng và đẩy lạm phát vọt lên”, Salman Ahmed, Trưởng bộ phận Phân bổ Tài sản Chiến lược và Vĩ mô tại Fidelity International ở London, nhận định. “Điều này có nghĩa là nguy cơ suy thoái hoàn toàn ở châu Âu đang tăng mạnh, nhất là khi dòng chảy hàng hóa ​​Nga bị gián đoạn trong những ngày và tuần tới”.

Theo Vũ Hạo

Có thể bạn quan tâm