Trong năm 2022, giá dầu Brent ở thị trường London ghi nhận mức tăng 10% còn giá dầu Tây Texas ( WTI) ở New Yok mức tăng 7%. Đây là năm thứ hai liên tiếp giá dầu tăng nhưng giới phân tích nhận định bước sang năm 2023, triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu sẽ gây áp lực lên thị trường dâu thô.
Giá dầu tăng vọt vào tháng 3-2022 do các lo ngại về nguồn cung sau khi Nga đưa quân vào Ukraine. Giá dầu Brent đã tăng lên mức 139,13 đô la/thùng, cao nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, giá cả đã hạ nhiệt nhanh chóng trong nửa cuối năm khi các ngân hàng trung ương quyết liệt tăng lãi suất để chống lạm phát, làm dấy lên nỗi lo suy thoái.
“Đây là một năm bất thường đối với các thị trường hàng hóa bao gồm dầu thô với những rủi ro về nguồn cung dẫn đến giá cả tăng cao. Năm tới sẽ là một năm không chắc chắn với nhiều biến động trên thị trường dầu”, nhà phân tích Ewa Manthey của Ngân hàng ING nói.
Chốt phiên giao dịch hôm 30-12, ngày giao dịch cuối cùng của năm, dầu Brent tăng gần 3% lên mức 85,91 đô la/thùng còn giá dầu WTI tăng 2,4%, lên mức 80,26 đô la/thùng.
Trong năm nay, dầu Brent đã tăng giá khoảng 10%, sau khi tăng 50% vào năm 2021. Dầu thô của Mỹ tăng gần 7% trong năm 2022, sau khi tăng 55% vào năm ngoái. Cả hai chỉ số giá dầu này đều giảm mạnh trong năm 2020 khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 làm sụp đổ nhu cầu nhiên liệu.
“Các nhà đầu tư đang bước vào năm 2023 với tâm thế thận trọng khi chuẩn bị cho các đợt tăng lãi suất tiếp theo và dự đoán kinh tế suy thoái trên toàn cầu. Sự biến động mạnh của thị trường có thể chưa dừng lại sớm khi chúng ta hướng đến một năm rất bất ổn”, Craig Erlam, nhà phân tích tại Công ty môi giới ngoại hối OANDA nói.
Bradley Saunders, nhà kinh tế tại Công ty tư vấn Capital Economics, nhận định thế giới sẽ rơi vào suy thoái vào đầu năm 2023 do tác động của lạm phát cao và lãi suất tăng.
Trong khi đó, John Kilduff, đối tác tại Công ty tư vấn đầu tư Again Capital, có trụ sở ở New York, đánh giá nhu cầu dầu ra sau trong năm tới vẫn là một câu hỏi lớn do các hành động tăng lãi suất quyết liệt của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu trong năm qua cũng như động thái giảm tốc độ tăng lãi suất mà họ đang cố gắng thiết kế.
Một cuộc khảo sát của Reuters với 30 nhà kinh tế và nhà phân tích dự báo Brent sẽ ở mức trung bình 89,37 đô la/thùng vào năm 2023, thấp hơn khoảng 4,6% so với mức dự báo trong cuộc khảo sát hồi tháng 11. Dầu WTI được dự đoán đạt mức trung bình 84,84 đô la/thùng trong năm tới, cũng giảm so với dự báo trước đó.
Nhà phân tích Leon Li của CMC Markets nhận định, trong khi nhu cầu du lịch vào dịp cuối năm tăng vọt và lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của Liên minh châu Âu (EU) đang hỗ trợ giá dầu thô thì nguồn cung thắt chặt hơn sẽ không thể lấn át nỗi lo về mức tiêu thụ nhiên liệu giảm trong năm 2023 do môi trường kinh tế xấu đi.
“Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến tăng nhanh trong năm 2023. Điều này sẽ kìm hãm nhu cầu năng lượng. Vì vậy, tôi nghĩ giá dầu có thể giảm xuống mức 60 đô la/thùng trong năm tới”, ông nói.
Giá dầu giảm trong nửa cuối năm 2022 do lãi suất tăng để chống lạm phát. Điều này đã thúc đẩy đồng đô la Mỹ. Dù giá đô la suy yếu vào những tháng cuối năm nhưng vẫn kết thúc năm 2022 với mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2015. Giá đô la cao sẽ khiến giá các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này bao gồm dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Chính sách ‘zero Covid’ của Trung Quốc, vốn chỉ được nới lỏng trong tháng này đã dập tắt hy vọng phục hồi nhu cầu dầu trong năm qua. Nhu cầu dầu của Trung Quốc, đã giảm trong năm 2022. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, nhu cầu của nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới này giảm.
Dù nhu cầu dầu của Trung Quốc dự kiến phục hồi trong năm 2023 nhưng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này tăng bùng nổ gần đây đã làm lu mờ hy vọng về việc Bắc Kinh tăng mua các thùng dầu ngay lập tức.
“Nguồn cung dầu vẫn thắt chặt dù triển vọng nhu cầu toàn cầu suy yếu do lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng”, Edward Moya, nhà phân tích cao cấp của OANDA, nói và cho biết thêm Trung Quốc sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường trong quí 1-2023.
Hầu hết các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Reuters đều dự báo, nhu cầu dầu sẽ tăng đáng kể trong nửa cuối năm 2023 nhờ Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế và việc các ngân hàng trung ương dừng chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt.
Cuộc khảo sát cho thấy tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga dự kiến chỉ ở mức hạn chế.
“Chúng tôi không mong đợi tác động lớn từ cơ chế áp giá trần dầu Nga, vốn được thiết kế để mang lại lợi thế thương lượng cho người mua ở nước thứ ba”, các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết.
Trong tuần nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm bán dầu mỏ và các chế phẩm dầu mỏ sang các nước tuân thủ cơ chế giá trần trong 5 tháng bắt đầu từ tháng 2.
“Trong trường hợp xuất khẩu dầu của Nga sụt giảm nghiêm trọng (điều mà chúng tôi không mong đợi xảy ra), liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, có thể sẽ sẵn sàng tăng sản lượng để ngăn giá tăng quá cao”, các nhà phân tích của Công ty dữ liệu và phân tích thị trường dầu Kpler nhận định.
Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes (Mỹ) cho biết, số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ tăng 33% trong năm nay. Đây là một dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu của Mỹ vẫn ổn định trong năm tới.
Theo Chánh Tài