Lo sợ bỏ qua “món hời” hay quá e ngại việc bị thua lỗ là biểu hiệu của nhiều nhà đầu tư chứng khoán.
Trên thị trường, các nhà đầu tư thường xuyên nghe được những thông tin như:
– Mã này sắp “ngon” lắm, anh có tin nội bộ
– Cổ phiếu họ này thì thôi vứt, bán nhanh còn kịp
– Thôi cứ bán trái phiếu thu tiền về cho an toàn, mấy tháng nữa không biết thế nào đâu
Thế là những người mới đầu tư, ít kinh nghiệm sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng và lo âu. Từ đó, họ hành động theo cảm xúc, theo số đông và không còn đủ tỉnh táo để ứng biến trước sự thay đổi đột ngột của thị trường.
Tâm lý này được gọi là FOMO, viết tắt của cụm từ fear of missing out – nỗi sợ bỏ lỡ.
Ở góc độ kinh tế, theo Huffington Post, FOMO là cảm giác chán ghét, sợ hãi mỗi khi bị thua lỗ.
“Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tổn thất ảnh hưởng đến con người, về mặt tâm lý, gấp đôi so với lợi nhuận. Điều này dẫn đến tâm lý ngại rủi ro, ghét bị thua lỗ trong bất cứ thứ gì”.
Bởi tính biến động liên tục của thị trường, nhiều nhà đầu tư luôn cảm thấy thua kém những người xung quanh. Càng so sánh bản thân với người khác, họ càng sợ đứng ngoài cuộc chơi, sợ mình mất đi cơ hội “thắng lớn”.
Nguyên nhân của tâm lý FOMO
Do sự thiếu hiểu biết về thị trường
Phần lớn những nhà đầu tư mới đều chưa có nhiều kiến thức về thị trường, không có chiến lược rõ ràng cụ thể đi kèm với những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Vì vậy, họ dễ rơi vào trạng thái “đứng núi này trông núi nọ”, dễ lung lay và đưa ra những quyết định sai lầm trước những biến động của thị trường.
Tâm lý muốn sinh lời cao trong thời gian ngắn
Giao dịch ngắn hạn (swing hoặc lướt sóng) là một loại giao dịch sinh lời nhanh, rất phù hợp với những nhà đầu tư có nhiều kiến thức, dày dặn kinh nghiệm trên thị trường và khả năng phân tích kỹ thuật chuẩn xác.
Với các nhà đầu tư mới, họ có thể may mắn kiếm lời nhanh sau vài phiên giao dịch tại thời điểm thị trường tăng trưởng. Điều này làm kích thích sự hưng phấn và tạo ra tâm lý tích cực. Sau đó, khi thị trường có biểu hiện biến động sau chu kỳ tăng giá, nhiều nhà đầu tư mới sẽ lúng túng, hoang mang, không kịp thu hồi vốn và chốt lợi nhuận hợp lý.
Ảnh hưởng từ các nguồn tin “rác”
Việc tiếp cận với các nguồn thông tin lỗi thời, không chính thống, thậm chí là tin lừa đảo dễ gây ra hiệu ứng FOMO. Hiệu ứng đám đông từ các thành viên cùng tham gia hội nhóm kiếm lời, các diễn đàn tự phát cũng khiến nhà đầu tư dễ dàng lung lay.
Cách tránh khỏi hiệu ứng FOMO
Có chiến lược và quy tắc đầu tư rõ ràng
Để có chiến lược và quy tắc đầu tư rõ ràng, ban đầu bạn cần có hiểu biết vững chắc về thị trường. Một khi đã nắm trong tay các kiến thức về thị trường, về các mã cổ phiếu, môi trường kinh tế – xã hội, tài chính, hiểu rõ về doanh nghiệp… là bạn gần như đã có đủ các dữ liệu để xây dựng cho mình một chiến lược đầu tư hợp lý, tránh chạy theo số đông.
Bạn nên có một danh sách các công ty mà bạn muốn đầu tư vào và cả giá mà bạn sẵn sàng trả cho cổ phần của công ty trước khi thực hiện giao dịch.
Ngoài ra, bạn cần nắm rõ mục đích của mình về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để có những điều chỉnh đúng đắn và kịp thời trước biến động của thị trường.
Chọn lọc nguồn thông tin về đầu tư
Theo Beile Grünbaum, cựu phóng viên kinh tế của Reuters, hãy chọn lọc đối tượng để thảo luận hoặc bàn bạc về các quyết định đầu tư. Tránh tham gia vào các diễn đàn tự phát, thông tin mập mờ, không rõ cơ sở.
Bạn nên theo dõi các chuyên gia đầu tư để được chia sẻ những góc nhìn khách quan, đúng đắn về thị trường.
Ngoài ra, hãy tự xây dựng thói quen phản biện, đánh giá kỹ càng trước những thông tin biến động của thị trường trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Giữ cho mình sự tỉnh táo trước những luồng thông tin điều hướng dư luận là điều cần thiết để hiểu đúng tình hình, tránh bị FOMO.
Học cách kiềm chế cảm xúc
Warren Buffett từng nói: “Cảm xúc là kẻ thù của lý trí”. Đứng trước mỗi một quyết định đầu tư, bạn hãy dành thời gian để xem xét và phân tích thị trường cũng như doanh nghiệp, đừng để cảm xúc lên ngôi và bị điều khiển bởi tâm lý FOMO.
Theo Diệu Thanh