Nhiều nền kinh tế lớn sẽ bước vào giai đoạn suy thoái trong 12 tháng tới, giữa lúc chính sách tiền tệ thắt chặt và chi phí sinh hoạt tăng đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái cùng lúc, theo Nomura Holdings.
Trong một báo cáo nghiên cứu, Nomura Holdings dự báo khu vực Eurozone, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Canada sẽ rơi vào suy thoái cùng với Mỹ.
Dù vậy, việc các NHTW tìm cách khôi phục lại sự tín nhiệm trong việc kiểm soát lạm phát có thể dẫn tới sai lầm thắt chặt chính sách quá mức và đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Các nước này có thể phải giảm lãi suất trở lại trong năm 2023, Nomura cho biết.
“Ngày càng nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới đang bước vào đợt giảm tốc đồng bộ. Điều này có nghĩa các quốc gia không còn phụ thuộc vào sự hồi phục về xuất khẩu để tạo động lực cho tăng trưởng. Những yếu tố này thôi thúc chúng tôi dự báo nhiều quốc gia rơi vào suy thoái”, họ cho biết.
Lạm phát cao nhiều khả năng sẽ tiếp diễn do áp lực giá cả đã lan ra khỏi các mặt hàng thông thường sang cả ngành dịch vụ, thuê nhà và tiền lương.
Tuy nhiên, mức độ suy thoái sẽ khác nhau giữa các quốc gia. Tại Mỹ, Nomura dự báo suy thoái lần này sẽ không quá mạnh nhưng kéo dài, có thể trong 5 quý bắt đầu từ quý cuối năm nay. Trong khi đó, với châu Âu, các nhà phân tích của Nomura dự báo đà lao dốc của nền kinh tế có thể mạnh hơn nhiều nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt. Nomura dự báo GDP Mỹ và Eurozone đều giảm 1% trong năm 2023.
Trong khi đó, các nền kinh tế quy mô tầm trung như Australia, Canada và Hàn Quốc, mức độ suy thoái có thể còn mạnh hơn dự báo nếu lãi suất tăng gây vỡ bong bóng nhà ở. Trong đó, kinh tế Hàn Quốc được cho là sẽ giảm sâu nhất với giảm có thể lên tới 2.2% trong quý 3 năm nay.
Nhật Bản được dự báo là nước có mức suy thoái nhẹ nhất trong nhóm này nhờ sự hỗ trợ chính sách và việc mở cửa kinh tế bị trì hoãn.
“Trung Quốc là trường hợp ngoại lệ khi nền kinh tế này đang phục hồi nhờ các chính sách nới lỏng. Dù vậy, nước này có nguy cơ tiếp tục bị phong tỏa nếu Chính phủ vẫn duy trì chiến lược Zero Covid”, Nomura cho biết.
Các tổ chức kinh tế khác cũng đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của những nền kinh tế hàng đầu thế giới trong năm nay. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các hoạt động kinh tế của Mỹ đã mất đà tăng trong 6 tháng đầu năm 2022 dưới tác động của làn sóng Covid-19, điều kiện tài chính thắt chặt và xung đột Nga – Ukraine.
WB dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ giảm xuống 2.5% năm 2022, giảm 1.2 điểm phần trăm so với mức dự báo trong tháng 1/2022. Đối với khu vực Eurozone, WB dự báo trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ giảm xuống mức 2.5%, điều chỉnh giảm 1.7 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1/2022.
Theo Vũ Hạo