Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng một cách đáng ngạc nhiên trong khi Fed phát đi các tín hiệu trái chiều khiến thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ trải qua một số đợt biến đột mạnh mẽ nhất trong thời gian gần đây. Cùng với nỗi lo lắng về căng thẳng địa chính trị và nguồn cung nợ gia tăng, những người theo dõi thị trường trái phiếu cho biết biến động sẽ kéo dài trong nhiều tháng tới.
Được mệnh danh là “tài sản an toàn nhất thế giới”, song trái phiếu Chính phủ Mỹ gần đây lại chứng kiến những biến động mạnh về lợi suất, mà điều đáng nói là nó xảy ra gần như hàng ngày.
Chỉ trong tuần trước, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm dao động trong khoảng gần 40 điểm cơ bản, do bị ảnh hưởng bởi các dòng thông tin trái chiều về doanh số bán lẻ, tỷ lệ thất nghiệp, một loạt ý kiến từ các quan chức Fed và nhu cầu ngày càng tăng đối với tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lo ngại về xung đột ở Trung Đông leo thang.
Mike Schumacher – Giám đốc chiến lược vĩ mô tại Wells Fargo Securities, nói trên Bloomberg TV: “Đây sẽ là một chặng đường khó khăn, vì vậy hãy thắt dây an toàn”. Theo ông, biến động lợi suất sẽ vẫn ở mức khá cao, ít nhất là đến giữa năm sau, có thể cao hơn nữa khi Trung Đông phải tự giải quyết xung đột địa chính trị và cho đến khi thị trường hiểu rõ hơn về hướng đi của Fed.
Chỉ số ICE BofA MOVE, theo dõi dự đoán về biến động lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ thông qua các quyền chọn kỳ hạn một tháng, đã tăng trong 5 tuần liên tiếp. Còn theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, mức độ biến động của lợi suất trái phiếu Mỹ dài hạn đã vượt cổ phiếu, với mức chênh lệch lớn nhất trong ít nhất 18 năm qua, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Theo Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz SE, một phần nguyên nhân là Fed đang gặp khó để đưa ra tín hiệu về tầm nhìn dài hạn hơn trong hướng đi chính sách lãi suất của họ.
“Chúng ta sẽ tiếp tục ở trong tình trạng vô cùng bất ổn này, vì chúng ta không được cung cấp một tầm nhìn nào về việc nền kinh tế sẽ đi về đâu. Họ cần chuyển đổi từ việc phụ thuộc quá nhiều vào dữ liệu đã công bố sang phụ thuộc vào những dữ liệu tương lai nhiều hơn”, ông nói.
Giữa những tranh cãi trong tuần qua, không có gì gây ra hỗn loạn hơn là bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell về quỹ đạo của chính sách tiền tệ. Trong một sự kiện tại Câu lạc bộ kinh tế New York, ông gợi ý rằng ngân hàng trung ương Mỹ có xu hướng giữ lãi suất ổn định trong cuộc họp tiếp theo, đồng thời để ngỏ khả năng tăng lãi suất sau đó nếu các nhà hoạch định chính sách nhận thấy tăng trưởng kinh tế vẫn bền vững.
Sau bình luận này, đường cong lợi suất tăng vọt, với lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn ngắn trượt dốc, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài leo lên mức cao mới trong nhiều năm.
Những biến động mạnh trên thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ gần đây cũng một phần do lo ngại ngày càng lớn rằng cuộc chiến giữa Israel và Hamas có thể lan rộng khắp khu vực, thậm chí có thể lôi cả Mỹ vào cuộc.
Tin tức về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Iraq và Syria, các tên lửa hành trình do phiến quân Houthi ở Yemen bắn về phía Israel và các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Hamas và Hezbollah đã đẩy nhà đầu tư rơi vào tình trạng hoảng loạn, khiến lợi suất trái phiếu 10 năm giảm xuống chỉ còn dưới 5% và khoảng 4.91% vào cuối tuần.
Những lo ngại về tương lai tài chính của Mỹ cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Tình trạng phát hành nợ ngày càng tăng của Mỹ đã đẩy phí bảo hiểm lên hơn 1 điểm phần trăm trong ba tháng qua, từ đó kéo lợi suất dài hạn tăng mạnh. Các nhà giao dịch đang chuẩn bị cho việc Bộ Tài chính Mỹ có thẻ thông báo tăng quy mô đấu giá trái phiếu vào ngày 01/11.
Trong tuần này, việc Fed tạm dừng đưa ra phát biểu, do lịch thông thường của ngân hàng trung ương, trước cuộc họp chính sách ngày 01/11 có thể là một tín hiệu đáng mừng đối với các nhà giao dịch. Tuy nhiên, trong những ngày tới, thị trường sẽ tiếp nhận một số thông tin quan trọng về lạm phát.
Theo Kim Dung