Đóng cửa giảm hơn 68 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần này (25-4-2022), chỉ số VN-Index đã có phiên giảm mạnh thứ hai trong lịch sử của mình xét về số tuyệt đối, chỉ sau phiên giảm gần 74 điểm vào ngày 28-1-2021. Đáng chú ý là trong phiên vừa qua, VN-Index đã có lúc bốc hơi đến 81 điểm, ghi nhận mức giảm mạnh nhất về điểm từ trước đến nay.
VN-Index đã có phiên giảm mạnh thứ hai trong lịch sử của mình.
Lực đạp thị trường từ đâu?
Tính từ phiên ngày 7-4 đến phiên 25-4, chỉ trong vòng 12 phiên, VN-Index đã giảm 213 điểm, tương đương giảm 14%, chuỗi giảm điểm lớn nhất kể từ cuối tháng 1-2021 – giai đoạn VN-Index giảm gần 17% chỉ trong vòng 10 phiên. Tuy nhiên, nếu như hồi tháng 1 năm ngoái, sau khi tạo đáy ở vùng 998 điểm, VN-Index đã nhanh chóng bật lại mạnh mẽ và thiết lập đà tăng, thì đợt giảm lần này dường như sẽ chưa sớm kết thúc, khi VN-Index cũng đã gãy kênh tăng giá duy trì suốt hai năm qua.
Hầu hết nhà đầu tư đang tràn ngập nỗi lo sợ khi chứng kiến sự lao dốc mạnh đột ngột của thị trường trong những ngày gần đây. Thành quả lợi nhuận đạt được trong thời gian qua của không ít người gần như đã bay mất, thậm chí chứng kiến danh mục chuyển từ lãi sang lỗ khi các mã cổ phiếu liên tục giảm sàn, từ nhóm đầu cơ cho đến nhóm cơ bản.
Trước áp lực bán giải chấp như hiện nay, thật khó để nói khi nào đáy mới được xác lập, không khéo có thể bắt trúng dao rơi, khi mà bất kỳ đợt phục hồi nào phía trước cũng tiềm ẩn bẫy tăng giá. Chiến lược hợp lý nhất có lẽ là kiên nhẫn đợi thị trường cân bằng trở lại, lượng hàng cần bán giải chấp được hấp thụ hết… |
Cũng như mọi đợt giảm từ trước đến nay, thị trường luôn phản ứng thái quá dù các điều kiện cơ bản của nền kinh tế rõ ràng không thể đột ngột xấu đến mức phải bán tháo bằng mọi giá như vậy. Một vài người nói về nỗi sợ lãi suất đang tăng trở lại, nhưng rõ ràng lãi suất không thể vọt lên một sớm một chiều để có thể khiến nhà đầu tư phải thoát bằng mọi giá như vậy. Còn nỗi sợ về việc bắt bớ các lãnh đạo doanh nghiệp có lẽ rồi sẽ “lờn” dần, giống như nỗi sợ Covid-19 trước đây.
Không ít ý kiến cho rằng chính lực lượng nhà đầu tư F0, với hàng trăm ngàn tài khoản mở mới mỗi tháng, kinh nghiệm lẫn tâm lý yếu và dòng vốn thiên về đầu cơ, đã khiến thị trường biến động bất ổn đến vậy khi bán tháo bằng mọi giá vì lo sợ. Tuy nhiên, có lẽ các nhà đầu tư cá nhân nói chung và nhóm F0 nói riêng này lại thường căng cứng sợ hãi và bị động nhất trong những giai đoạn thị trường lao dốc mạnh.
Ám ảnh bán giải chấp
Lực đạp thị trường trong những ngày vừa qua chính là ảnh hưởng của hoạt động bán giải chấp từ các công ty chứng khoán. Trong hai năm qua, hàng loạt nhà đầu tư mới tham gia thị trường, dòng vốn nhỏ nên luôn muốn sử dụng vốn vay ký quỹ (margin) để đạt suất sinh lời cao nhất trong một thị trường uptrend, nhất là khi lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, cộng thêm việc các công ty chứng khoán tăng vốn ồ ạt nên càng cạnh tranh quyết liệt để kích thích và chào mời nhà đầu tư cá nhân sử dụng margin, dẫn đến dòng tiền đầu cơ từ nguồn vốn margin trên thị trường tăng vọt lên hàng trăm ngàn tỉ đồng, gấp nhiều lần so với giai đoạn trước đây, luôn ở trạng thái căng cứng và chỉ cần chờ một “mồi lửa”.
Sự kiện các lãnh đạo FLC rồi đến Tân Hoàng Minh, mới nhất là Louis Hodings vướng vòng lao lý và chưa biết còn lãnh đạo doanh nghiệp hay đội lái nào sẽ mang số phận tương tự, đã khiến hàng loạt cổ phiếu đầu cơ bị bán tháo và giảm sàn liên tiếp. Hiệu ứng “hòn tuyết lăn” cứ thế tiếp diễn, giá cổ phiếu giảm mạnh đến một mức nào đó khiến nhà đầu tư bị yêu cầu đóng thêm tiền ký quỹ trong vòng 1-2 ngày. Khi nhà đầu tư không thể xoay tiền để đáp ứng thì đến lượt các công ty chứng khoán chủ động bán giải chấp cổ phiếu của khách hàng tại bất kỳ giá nào để thu hồi lại tiền mà các công ty chứng khoán đã cho khách hàng vay.
Đáng lưu ý là trong giai đoạn gần đây, một số cổ phiếu có tính đầu cơ hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp có lãnh đạo bị bắt đã bị cắt margin, một số cổ phiếu khác bị giảm tỷ lệ margin khi các công ty chứng khoán muốn giảm bớt rủi trong một thị trường đầy bất ổn. Cộng thêm việc giá cổ phiếu giảm nhanh, khiến nhà đầu tư không thể xoay kịp lượng tiền để đóng thêm đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định.
Ngoài ra, những vi phạm về thao túng giá cổ phiếu hay vi phạm ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị phanh phui gần đây khiến các công ty chứng khoán đối mặt với các đợt thanh, kiểm tra từ cơ quan quản lý. Không loại trừ khả năng có những công ty sắp tới bị thanh tra, nếu đang vi phạm các tỷ lệ an toàn hay cho vay ký quỹ thì nhóm này càng buộc phải giải chấp bằng mọi giá để đưa các tỷ lệ về mức an toàn theo quy định.
Một thống kê gần đây cho thấy, dư nợ cho vay bao gồm cho vay margin và ứng trước tại các công ty chứng khoán vẫn tiếp tục lập kỷ lục với hơn 201.176 tỉ đồng tại ngày 31-3-2022. Đáng lưu ý là một số công ty chứng khoán đã tiệm cận tỷ lệ margin bằng 200% so với vốn chủ sở hữu được quy định tại Quyết định 87 hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trước thực trạng này, mồi lửa bán giải chấp đã lan từ các cổ phiếu penny có tính đầu cơ sang luôn cả các cổ phiếu cơ bản, cổ phiếu vốn hóa lớn. Và một khi nhóm vốn hóa lớn cũng bị bán tháo bằng mọi giá, việc chỉ số VN-Index rơi hàng chục điểm mỗi phiên là điều tất yếu. Phiên giao dịch đầu tuần này, 30/30 cổ phiếu trong VN-30 đóng cửa đều giảm mạnh, trong đó có đến 16 cổ phiếu giảm sàn trắng bên mua, khiến VN30 lao dốc còn mạnh hơn cả VN-Index với mức giảm gần 80 điểm.
Chờ dập lửa
Trong những ngày vừa qua, không ít nhà đầu tư đang nhắc lại câu nói của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet: “Hãy tham lam khi mọi người sợ hãi”. Rõ ràng với những nhà đầu tư đã thoát ra sớm và đang cầm tiền, những đợt giảm mạnh như hiện nay đang mang lại cơ hội chọn lựa hàng đầy hấp dẫn, khi không ít cổ phiếu cơ bản cũng bị ảnh hưởng chung theo thị trường và rơi về mức giá mà cách đây vài tháng khó mà mơ thấy được.
Tuy nhiên, trước áp lực bán giải chấp như hiện nay, thật khó để nói khi nào đáy mới được xác lập, không khéo có thể bắt trúng dao rơi, khi mà bất kỳ đợt phục hồi nào phía trước cũng tiềm ẩn bẫy tăng giá. Vì vậy, chiến lược hợp lý nhất có lẽ là kiên nhẫn đợi thị trường cân bằng trở lại, lượng hàng cần bán giải chấp được hấp thụ hết mới xem xét tham gia mua vào. Ngoài ra, nếu có mua cần phải dùng “tiền tươi”, không dùng vốn vay trong bối cảnh đầy bất ổn như hiện nay.
Trong trường hợp muốn tham gia sớm nhưng áp lực bán giải chấp vẫn chưa kết thúc, nhà đầu tư nên xem xét mua bắt đáy ở sàn UpCom, khi cổ phiếu giao dịch trên sàn này không được cấp margin nên có thể tránh được áp lực bán giải chấp, trong khi nhiều cổ phiếu trên sàn này vừa qua cũng đã giảm mạnh vì ảnh hưởng lao dốc của sàn HOSE và HNX, trong đó có một số cổ phiếu có thể nằm trong danh mục thoái vốn của SCIC dự kiến trong năm nay.
Về yếu tố hỗ trợ thị trường, thứ nhất là động thái mua ròng trở lại của nhóm nhà đầu tư nước ngoài trong những phiên lao dốc mạnh gần đây. Nhóm này đã có bảy phiên mua ròng liên tiếp từ ngày 15-4 đến 25-4 với tổng giá trị hơn 2.900 tỉ đồng trên sàn HOSE. Thứ hai là gói hỗ trợ lãi suất 2% có thể được ban hành ngay trong tháng 5 tới, được kỳ vọng sẽ là chất xúc tác quan trọng giúp thị trường phục hồi trở lại. Cuối cùng, những chính sách hỗ trợ và trấn an nhà đầu tư của cơ quan quản lý cũng có thể là một bệ đỡ tâm lý cho thị trường sớm tìm thấy điểm cân bằng.
Theo Triêu Dương