Chiến lược đầu tư và nhà đầu tư mới

Chiến lược đầu tư và nhà đầu tư mới post thumbnail image

Nhiều nhà đầu tư mới (F0), tham gia thị trường mà không có bất kỳ chiến lược đầu tư cụ thể nào. Với một thị trường tăng giá chỉ cần “mua là thắng” nhà đầu tư có thể không cần chiến lược đầu tư. Nhưng khi thị trường rơi vào xu hướng giảm như hiện tại thì việc xác định chiến lược đầu tư ngay từ đầu có thể giải quyết hầu hết những tình huống khó khăn.

Chiến lược đầu tư

Khi thị trường đang trong xu hướng tăng thì tài khoản của nhà đầu tư thường có lời và các vấn đề rất ít xuất hiện. Tuy nhiên với xu hướng giảm, thì câu chuyện sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Do trong xu hướng giảm nhà đầu tư thường thua lỗ và đặc biệt các khoản thua lỗ lớn hơn bình thường. Có nhiều câu hỏi sẽ xuất hiện ở giai đoạn này như với nhà đầu tư đang có cổ phiếu sẽ là có nên cắt lỗ, trung bình giá hay không? Hay với nhà đầu tư đang nắm tiền mặt thì có nên bắt đáy hay khi nào sẽ mua và mua mã nào?

Để trả lời được cho câu hỏi này, chúng ta phải quay lại điểm ban đầu của quá trình đầu tư đó là chiến lược đầu tư của bạn là gì? Câu hỏi này tưởng chừng đơn giản nhưng nó lại là cốt lõi của nền tảng, quyết định cách chúng ta hành xử trên thị trường, liệu chúng ta sẽ thành công hay thất bại khi đầu tư và có thể giải quyết hầu hết các tình huống gặp phải. Tuy nhiên, việc xác định chiến lược đầu tư lại rất hay bị nhà đầu tư mới, đặc biệt là F0 bỏ qua.

Xu hướng của VN-Index.

Chiến lược đầu tư là một bộ quy tắc, hành vi hoặc thủ tục được thiết kế để hướng dẫn lựa chọn của nhà đầu tư danh mục đầu tư. Các cá nhân có các mục tiêu lợi nhuận khác nhau và các kỹ năng khác nhau cũng như sẽ có các chiến thuật và chiến lược khác nhau. Như vậy, nếu có một chiến lược đầu tư rõ ràng ngay từ đầu thì nhà đầu tư có thể dễ dàng xử lý hoặc có những hành động hợp lý khi thị trường điều chỉnh.

Nếu nhà đầu tư sử dụng phân tích cơ bản làm nền tảng cho chiến lược đầu tư, họ sẽ định giá công ty (giá trị nội tại) để mua bán cổ phiếu. Dựa trên giá trị nội tại thì biến động giá trong ngắn hạn không phải vấn đề quá lớn. Nếu như các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp không đổi và giá trị nội tại của doanh nghiệp vẫn ở mức hấp dẫn so với giá mua thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, thậm chí có thể tăng tỷ trọng nếu như giá cổ phiếu điều chỉnh về vùng giá thấp hơn.

Ngược lại, nếu nhà đầu tư sử dụng phân tích kỹ thuật hoặc một hệ thống dựa trên phân tích kỹ thuật. Thì nhà đầu tư cần xem xét giá cổ phiếu đã cho tín hiệu bán chưa hay giá đã điều chỉnh về ngưỡng cắt lỗ chưa để xử lý.

Những nhà đầu tư “lão làng” và thành công trên thị trường sẽ có chiến lược đầu tư của riêng mình và không có chiến lược đầu tư nào là giống nhau hoàn toàn. Chiến lược đầu tư sẽ được hình thành dựa trên kiến thức, kinh nghiệm, và một số đặc điểm cá nhân. Quá trình hình thành chiến lược đầu tư đòi hỏi nhà đầu tư phải bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian. Thậm chí có thể mất nhiều năm.

Tuy nhiên, nếu hình thành được một chiến lược đầu tư hợp lý phù hợp với cá nhân thì thành quả nhận được là rất lớn. Chúng ta có thể thấy được sự thành công của nhà đầu tư lớn với những chiến lược đầu tư mang đặc tính cá nhân như Warren Buffett với chiến lược đầu tư giá trị hay George Soros với chiến lược đầu cơ.

Chiến lược đầu tư với F0

Với những nhà đầu tư mới thì việc hình thành ngay một chiến lược đầu tư hoàn chỉnh là điều rất khó do phần đông các nhà đầu tư F0 sẽ không có nhiều kiến thức và kỹ năng để làm điều này. Đặc biệt, kinh nghiệm đầu tư đóng một phần vô cùng quan trọng trong chiến lược đầu tư. Chỉ khi trải qua những cung bật cảm xúc từ thắng lớn hay thua lỗ nặng, họ mới biết được đâu mới là chiến lược phù hợp nhất với bản thân. Mà kinh nghiệm thì không phải là thứ có thể đạt được trong thời gian ngắn.

Thay vì đòi hỏi một chiến lược đầu tư hoàn chỉnh ngay từ đầu, nhà đầu tư mới có thể bắt đầu với một chiến lược đơn giản và điều chỉnh chiến lược này theo hướng hoàn thiện dần. Đây là cách mà nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã sử dụng. Ban đầu ông chỉ tập trung vào báo cáo tài chính và tài sản hữu hình của doanh nghiệp để đầu tư, nhưng sau đó ông cải tiến phương pháp và tập trung vào phần tài sản vô hình để định giá cổ phiếu, phần tài sản vô hình liên quan rất nhiều đến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Khi bắt đầu, nhà đầu tư có thể sử dụng những nguyên tắc giao dịch cơ bản như mua cổ phiếu khi giá đang tích lũy hay có những thông tin tốt hỗ trợ và cắt lỗ khi giá giảm 10%. Sau một thời gian, nhà đầu tư có thể cải thiện dần chiến lược của mình như sử dụng các mô hình định giá cơ bản để xác định giá trị nội tại và chỉ mua khi thị giá bằng ½ giá trị nội tại đồng thời đặt mức cắt lỗ 15%. Thời gian trôi qua, nhà đầu tư sẽ dần dần hoàn thiện chiến lược theo hướng tốt hơn.

Những nguyên tắc giao dịch như mua khi có thông tin tốt có thể đơn giản và có phần không thực tế trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là chiến lược của bạn đơn giản mà việc có được chiến lược và sử dụng nó mới là điều quan trọng.

Thứ nhất, nhà đầu tư sẽ có một chiến lược rõ ràng để giao dịch, bất chấp chiến lược đó đơn giản đến mức nào. Nếu chiến lược giao dịch liên tục tạo ra những khoản thua lỗ điều đó có nghĩa đây là chiến lược không hiệu quả và nhà đầu tư cần phải cải thiện. Sau đó nhà đầu tư sẽ tiếp tục quá trình giao dịch và cải thiện cho đến khi có được chiến lược giao dịch có hiệu quả cao.

Thứ hai, nhà đầu tư sẽ tập làm quen với việc tuân thủ chiến lược đầu tư (bao gồm cả việc cắt lỗ). Việc tuân thủ chiến lược cũng là một kỹ năng quan trọng để thành công trên thị trường.

Cắt lỗ và phân bổ tài sản

Một sai lầm khi thiết lập chiến lược đầu tư là không cắt lỗ. Về mặt tâm lý, cắt lỗ có thể tạo ra những cảm xúc không tốt cho nhà đầu tư mới, tuy nhiên nếu đầu tư trên thị trường đủ lâu, mọi người sẽ nhận thấy rằng cắt lỗ là điều cần thiết và thường xuyên diễn ra.

Đôi khi, chúng ta có thể gặp trường hợp giá cổ phiếu bật tăng sau khi cắt lỗ, qua đó tạo ra sự tiếc nuối về việc tại sao không “gồng” trong thời điểm đó. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần nhớ rằng, (1) việc tăng giá sau khi cắt lỗ là hành động diễn ra sau khi bán cổ phiếu, không phải hành động trước. Nên tại thời điểm quyết định bán, chúng ta không có thông tin về việc cổ phiếu có thể tăng nên việc bán ra là một quyết định hợp lý. (2) nếu bán ra mà giá tăng trở lại, và xu hướng tăng được hình thành chúng ta hoàn toàn có thể mua lại cổ phiếu đó và xem đó như là một khoản đầu tư mới. (3) nếu giá cổ phiếu không tăng mà giảm mạnh sau khi cắt lỗ thì sao? Chúng ta hoàn toàn có thể bảo toàn vốn trước sự điều chỉnh này nếu tuân thủ việc cắt lỗ. (4) nguồn tài chính (tiền và margin) của mỗi cá nhân là có giới hạn nên chúng ta chỉ có thể đầu tư được vào một danh mục nhất định, chọn đầu tư vào cổ phiếu này tức là nguồn tài chính cho các cổ phiếu khác bị hạn chế đi.

Nếu một cổ phiếu điều chỉnh về ngưỡng cắt lỗ tức là cổ phiếu đó đang không hoạt động như kỳ vọng và đang có một vấn đề gì đó. Thì tại sao chúng ta không thu hồi lại nguồn tài chính (vốn có giới hạn) để tái đầu tư vào những cổ phiếu khác có tiềm năng hơn.

Một vấn đề khác mà nhà đầu tư mới cũng nên quan tâm là việc phân bổ tài sản vào thị trường chứng khoán. Tại thời điểm tham gia thị trường tài chính, nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm và chiến lược đầu tư chưa hợp lý nên việc thua lỗ lớn là điều thường xảy ra. Để tránh việc thua lỗ này có thể đẩy nhà đầu tư vào những hoàn cảnh khó khăn thì giai đoạn ban đầu nhà đầu tư chỉ nên phân bổ một lượng tiền nhỏ vào thị trường. Sau khi hình thành được chiến lựơc đầu tư hiệu quả và tạo được lợi nhuận thì lúc đó nhà đầu tư mới nên nâng tỷ trọng tài sản đầu tư trên thị trường chứng khoán lên.

Theo Trần Trương Mạnh Hiếu – Phó phòng phân tích Chứng khoán KIS Việt Nam

Có thể bạn quan tâm