Có thể thấy xu hướng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) sụt giảm dường như đi ngược lại với những dự báo trước đó, khi cho rằng cuộc chuyển dịch sang thanh toán trực tuyến và hạn chế sử dụng tiền mặt sẽ chỉ ngày càng giúp các ngân hàng tăng lượng tiền gửi CASA. Tuy nhiên, hiện tượng xu hướng đảo chiều nói trên là có thể giải thích được.
Suy giảm trên diện rộng
Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nguồn tiền gửi không kỳ hạn, nhờ tận dụng được xu thế chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là sự bùng nổ của các nền tảng giao dịch, thanh toán trực tuyến trong hơn hai năm qua trước tác động của dịch Covid-19, thời gian gần đây bất ngờ chứng kiến xu hướng này đang chững lại tại nhiều ngân hàng.
Techcombank – ngân hàng liên tục dẫn đầu về tỷ lệ CASA, đã ghi nhận sự sụt giảm liên tiếp trong hai quí vừa qua. Từ mức 50,5% hồi đầu năm 2022, tỷ lệ CASA của ngân hàng này đã giảm xuống 47,5% vào cuối quí 2 và tiếp tục rớt về 46,5% tại thời điểm cuối quí 3, tức đã giảm đi 4 điểm phần trăm trong chín tháng đầu năm nay.
4 điểm phần trăm cũng là mức giảm của ngân hàng xếp thứ 2 về tỷ lệ CASA là MBBank, khi cuối quí 3 vừa qua nguồn tiền gửi này của MBBank chỉ còn chiếm tỷ trọng 41,6% từ mức 45,6% vào cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, mức độ sụt giảm mạnh nhất về tỷ lệ này rơi vào trường hợp của KienLong Bank, với tỷ lệ CASA giảm từ 15,5% hồi đầu năm xuống còn 9,2% vào cuối quí 3, tức giảm đến 6,3 điểm phần trăm. Xếp thứ 2 là VietA Bank giảm từ 11,9% xuống 5,9%, trong khi TPBank cũng giảm tương ứng khoảng 6 điểm phần trăm khi tỷ lệ CASA rớt từ 23,3% xuống 17,3%. Đáng lưu ý, TPBank là một trong những ngân hàng đã đẩy mạnh chuyển đổi số và đạt được những thành công nhất định trong mấy năm gần đây.
Thống kê từ 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí 3-2022 cho thấy, có đến 19 ngân hàng, tức chiếm tỷ trọng hơn 70%, ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong chín tháng đầu năm nay. Theo đó, tỷ lệ CASA bình quân đã giảm 0,8 điểm phần trăm từ mức 17,8% hồi đầu năm xuống còn 16,9%. |
Diễn biến tại các ngân hàng nói trên là vài nét chấm phá cho một bức tranh rộng lớn hơn phản ánh xu hướng tương tự.
Thống kê từ 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí 3-2022 cho thấy, có đến 19 ngân hàng, tức chiếm tỷ trọng hơn 70%, ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong chín tháng đầu năm nay.
Theo đó, tỷ lệ CASA bình quân đã giảm 0,8 điểm phần trăm từ mức 17,8% hồi đầu năm xuống còn 16,9%. Một vài ngân hàng đi ngược lại xu hướng này có thể kể đến như MSB, Vietcombank, VietinBank, PGBank, Seabank, BacA Bank,…
Trong khi đó, số liệu cập nhật gần nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy sự suy giảm đáng kể ở chỉ tiêu này. Cụ thể, sau khi đạt đỉnh ở mức 1.040.000 tỉ đồng vào cuối quí 1-2022, số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân tại các tổ chức tín dụng đã giảm còn 979.100 tỉ đồng vào cuối quí 2-2022, dù số lượng tài khoản vẫn tiếp tục tăng từ 118.645.000 tài khoản lên gần 123.776.000 tài khoản.
Với việc số liệu tỷ lệ CASA của các ngân hàng đã công bố cho thấy xu hướng tiếp tục đi xuống trong quí 3, khả năng số liệu công bố của NHNN cũng ghi nhận xu hướng tương tự trong quí 3.
Chỉ mới bắt đầu?
Xu hướng đảo chiều nói trên có thể giải thích được.
Thứ nhất, theo ý kiến của một số chuyên gia, trước tình hình các doanh nghiệp lẫn cá nhân gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng từ ngân hàng, họ đã phải rút lượng vốn nhàn rỗi này để phục vụ các mục tiêu sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư.
Tuy nhiên, cần biết rằng hầu hết mọi giao dịch hiện nay đều thông qua hệ thống ngân hàng, nên lượng tiền này đơn thuần chỉ chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác, ngân hàng này sang ngân hàng khác, do đó khó có thể làm suy giảm số dư đồng loạt và đáng kể đến thế.
Thay vào đó, khả năng là do nhận thấy nguồn thanh khoản thời gian gần đây trở nên khan hiếm và có dấu hiệu thiếu hụt, một số doanh nghiệp có thể đã gia tăng lượng tiền mặt tồn quỹ thay vì giữ ở ngân hàng, để đảm bảo khả năng thanh khoản.
Ngoài ra, trước những bất ổn gần đây của nền kinh tế với lãi suất và tỷ giá biến động nhanh, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và rủi ro thanh khoản, vòng quay tiền cũng có thể đã chậm lại. Cũng không loại trừ khả năng một lượng tiền đã chuyển sang ngoại tệ và tích trữ bên ngoài hệ thống ngân hàng hoặc chảy ra nước ngoài, như bài viết Tiền đã chạy đi đâu?(1) từng chỉ ra.
Thứ hai, nếu như trước đây một lượng lớn tiền gửi thanh toán không kỳ hạn luôn nằm chờ ở ngân hàng để đợi giải ngân vào chứng khoán hay bất động sản, thì hiện nay, do triển vọng của hai kênh đầu tư này không còn hấp dẫn và ngày càng trở nên bi quan, nên một phần dòng tiền này có lẽ đã chuyển sang gửi tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao hơn.
Xu hướng tương tự cũng diễn ra với nhiều khách hàng trước giờ vẫn có thói quen giữ tiền gửi không kỳ hạn ở tài khoản thanh toán. Thời gian qua, khi lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn tăng nhanh và trở nên hấp dẫn hơn, chênh lệch giữa không kỳ hạn, kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài mở rộng, cũng đã tác động đến hành vi của nhóm khách hàng này.
Thứ ba, kể từ ngày 1-8-2022, đã có những thay đổi về việc rút tiền gửi trước hạn theo quy định tại Thông tư 04/2022 của NHNN. Theo đó, khi người gửi tiền rút trước hạn một phần sổ tiết kiệm thì chỉ riêng phần rút trước hạn chịu lãi suất không kỳ hạn, phần tiền gửi còn lại sẽ được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất ban đầu.
Nhiều ngân hàng đã triển khai các sản phẩm rút gốc linh hoạt cho khách hàng mà vẫn giữ nguyên lãi suất đối với phần gốc chưa rút. Do đó, khách hàng được khuyến khích chuyển sang gửi có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao hơn.
Cụ thể, thay vì như trước đây họ duy trì một lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn để đáp ứng các nhu cầu thanh toán, thì giờ đây sẽ chuyển tất cả sang có kỳ hạn và khi cần tiền thanh toán thì chỉ cần rút trước hạn đúng lượng tiền đang cần.
Hiện nhiều ngân hàng đã triển khai các sản phẩm, dịch vụ tiền gửi trực tuyến có kỳ hạn rất thuận tiện và có lãi suất còn cao hơn khi gửi tại quầy, nên khách hàng càng có điều kiện để thực hiện sự chuyển dịch này.
Theo Thụy Lê