Thị trường tài chính ngân hàng trị giá 54.000 tỉ đô la của Trung Quốc đã hồi phục sau khi các nhà hoạch định chính sách chuyển sang ổn định tăng trưởng kinh tế và nới lỏng các hạn chế cho vay trong năm thứ hai của đại dịch. Tuy nhiên, hơn một nửa các ngân hàng của nước này đã giảm các hợp đồng cho vay trong lĩnh vực bất động sản trong năm 2021, siết chặt hơn nữa việc tiếp cận tín dụng của các nhà thầu xây dựng đang gặp khó khăn về tài chính.
Lợi nhuận của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), ngân hàng lớn nhất thế giới, đã tăng 10,3% vào năm ngoái, mức cao nhất trong gần một thập niên. Các ngân hàng lớn khác – Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Viễn thông và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc – đều báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm nhanh nhất kể từ ít nhất là năm 2013.
Lo ngại về triển vọng 2022
Một số giám đốc tài chính đã chỉ ra các yếu tố bên ngoài và rủi ro địa chính trị có thể gây áp lực lên thu nhập của mảng ngân hàng trong năm 2022 này. Họ vạch ra rằng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2022 vẫn đang bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng nợ đang hoành hành trên thị trường bất động sản và các đợt bùng phát Covid-19 khiến thủ đô tài chính Thượng Hải phải đóng cửa lâu hơn dự định. Hậu quả tiềm tàng từ cuộc chiến Nga – Ukraine cũng là ẩn số nguy hiểm khác.
“Môi trường bên ngoài đã trở nên phức tạp và khắc nghiệt hơn trong năm nay, nhưng theo đánh giá từ dữ liệu của hai tháng đầu tiên, nền kinh tế Trung Quốc đã cho thấy một số dấu hiệu đầy hứa hẹn”, Chủ tịch ICBC Liao Lin cho biết trong một cuộc họp báo trong tuần rồi.
Nhưng cũng trong tuần rồi, Chủ tịch Liu Jun của Ngân hàng Viễn thông nói rằng ông đang đứng trước một năm có nhiều thử thách nhất trong sự nghiệp 30 năm làm việc trong ngành của mình. “Covid, rủi ro địa chính trị và nhu cầu trong nước giảm”, ông Liu vạch rõ.
Nhà phân tích Zhang Shuaishuai thuộc hãng China International Capital Corp cho biết: “Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhanh chóng của các ngân hàng quốc doanh trong năm 2021 chủ yếu là do nền tảng thấp và quy mô tài sản tăng nhanh. Tỷ lệ này trong năm nay sẽ giảm chỉ còn 5-6%”.
Nhà phân tích Shujin Chen của Jefferies Financial Group Inc. cũng lưu ý rằng tăng trưởng thu nhập của các ngân hàng đã đạt đỉnh trong năm 2021. Có nghĩa là lợi nhuận sẽ bắt đầu trượt xuống trong năm nay.
Khoản vay của các doanh nghiệp Trung Quốc đã giảm mạnh trong quý đầu tiên và lãi suất cho vay tăng lên mức kỷ lục bất chấp những nỗ lực khuyến khích cho vay nhiều hơn của ngân hàng trung ương – theo dữ liệu của China Beige Book International. Còn hãng dữ liệu kinh tế độc lập CBBI nói chỉ có 16% doanh nghiệp nộp đơn xin vay trong quí 1-2022, mức thấp nhất kể từ cuộc thăm dò hàng quí bắt đầu từ năm 2012.
Các ngân hàng cũng phải đối mặt với áp lực về tỷ suất lợi nhuận. Zhang Min, phó chủ tịch điều hành của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, phát biểu trong tuần rồi: “Biên lợi nhuận ròng của ngân hàng chúng tôi sẽ có xu hướng giảm trong năm nay. Đây là một vấn đề mà tất cả các ngân hàng phải đối mặt”.
Nhưng một số ngân hàng lại cho rằng các biện pháp được thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế sẽ giúp ích cho ngành này. Chủ tịch Liu Jin của Ngân hàng Trung Quốc nói rằng nỗ lực của chính phủ trung ương để thúc đẩy nền kinh tế đã tạo cơ hội cho tăng trưởng khu vực ngân hàng.
“Cục xương khó gặm”
Tại 17 trong số 32 ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, dư nợ tín dụng đối với mảng bất động sản đã giảm vào cuối năm 2021, trong đó bao gồm ngân hàng quốc doanh CITIC Bank và ngân hàng tư nhân lớn nhất Trung Quốc là China Minsheng Bank. Ngân hàng Shengjing mà “quả bom nợ” China Evergrande Group là cổ đông lớn cũng đã giảm cho vay đối với các nhà thầu xây dựng sau khi dư nợ mảng bất động sản trong năm 2020 tăng gần gấp đôi năm trước đó.
Các ngân hàng địa phương cũng đặc biệt giảm mạnh dòng vốn vào lĩnh vực phát triển nóng. Chẳng hạn như Ngân hàng Bột Hải Trung Quốc có trụ sở tại Thiên Tân đã ghi nhận mức giảm 32%. Ngược lại, tổng cho vay lĩnh vực địa ốc của bốn ngân hàng quốc doanh lớn tại Trung Quốc đã tăng 4,9%, nhưng lại ít hơn với lượng tín dụng tổng thể và giảm mạnh so với mức tăng hai con số trong giai đoạn 2017-2020.
Mảng địa ốc đang trở thành “cục xương khó gặm” đối với các định chế tài chính ngân hàng ở Trung Quốc. Hầu hết các ngân hàng đặt mục tiêu giảm thiểu rủi ro và siết chặt kiểm soát. Điều này càng khiến các công ty bất động sản đang khát vốn gặp khó khăn hơn trước và ngày càng có ít lựa chọn hơn. Các nhà cho vay cũng cảnh giác với những nỗ lực kiểm soát của chính quyền trung ương.
Chính phủ Trung Quốc bắt đầu kiểm soát việc vay nợ của các nhà phát triển từ năm 2020, đặt ra ba “lằn ranh đỏ” vào mùa hè năm đó nhằm làm nản chí các công ty đang khát vốn “quơ quào”. Các giới hạn cho vay thế chấp và tiếp cận với lĩnh vực bất động sản đã được đưa ra vào năm 2021 vừa rồi.
Khó khăn của ngành đã đè nặng lên các chủ nợ lớn của Evergrande, như Minsheng chẳng hạn. Cổ phiếu của cả hai tập đoàn đã giảm mạnh trong năm ngoái khi Evergrande lâm vào khủng hoảng nợ. Các ngân hàng phải xem xét kỹ lưỡng hơn hồ sơ cho vay trong bối cảnh các mối lo ngại về những “khoản nợ tiềm ẩn” khổng lồ mà các hãng địa ốc đang cố gắng che giấu.
Các biện pháp chấn chỉnh từ chính phủ trung ương đã khiến các ngân hàng chừng mực hơn. Minsheng cho biết trong thông báo thu nhập của năm 2021 rằng họ đã “thực hiện nghiêm túc các yêu cầu quy định” đối với lĩnh vực bất động sản và cải thiện “khả năng quản lý toàn bộ quy trình tín dụng”. Trong khi đó, Ngân hàng China Everbright có khoản cho vay bất động sản giảm 12% vào năm ngoái. Everbright nhấn mạnh rằng đã tuân thủ nguyên tắc chung “nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ” theo chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình và tăng cường giám sát cách sử dụng các khoản vay.
Rủi ro đối với lĩnh vực bất động sản thể hiện ở việc nợ xấu gia tăng. Tại bốn ngân hàng lớn, tỷ lệ cho vay bất động sản kém hiệu quả đã tăng hơn một điểm phần trăm lên 3,8% vào năm ngoái sau khi tình hình đã được cải thiện trước đó. Một số ngân hàng nhỏ hơn còn tệ hơn nhiều, chẳng hạn như Ngân hàng Jinshang ở tỉnh Sơn Tây, có tỷ lệ nợ xấu ở mảng địa ốc lên đến 10%.
Thanh khoản hạn chế, khả năng vỡ nợ tăng
Các ngân hàng vẫn giữ thái độ dè dặt trong năm nay. Một số chính quyền địa phương đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với các khoản vay mua nhà của cá nhân để đối phó với sự sụt giảm của thị trường nhà ở. Nhưng các chủ dự án vẫn phải đối mặt với các quy tắc cứng rắn hơn.
Giám đốc phân tích rủi ro Liu Jiandong thuộc Ngân hàng Trung Quốc cho biết trong buổi công bố báo cáo tài chính rằng ngân hàng này đặc biệt chú ý đến rủi ro khu vực trong các lĩnh vực chính. “Chúng tôi đặc biệt lưu ý rằng một số nhà phát triển bất động sản có thể gặp vấn đề về dòng tiền”, Liu nói.
Chuyên gia Banny Lam thuộc hãng tư vấn đầu tư CEB International Investment tại Hồng Kông nhận định rằng “rủi ro bất động sản có thể kiểm soát được, nhưng các ngân hàng cần đa dạng hóa danh mục cho vay ngoài bất động sản”.
Trong khi đó, các hãng địa ốc thiếu tiền mặt hiện phải xoay xở trong một môi trường mà các điều kiện gọi vốn đang trở nên ngặt nghèo hơn trước. Tổng số tiền mặt do 100 nhà phát triển lớn huy động được, bao gồm cả các khoản vay ngân hàng và nợ doanh nghiệp, đã giảm 59% trong năm xuống còn 39,8 tỉ nhân dân tệ (6,24 tỉ đô la) vào tháng 2 vừa rồi – theo dữ liệu của China Real Estate Information.
“Các điều kiện cho vay thắt chặt và nhu cầu tái cấp vốn lớn của các nhà phát triển bất động sản sẽ gây áp lực lên tính thanh khoản. Tình trạng này có thể làm tăng số lượng các vụ vỡ nợ trong thời gian còn lại của năm 2022”, Moody’s Investors Service cho biết trong báo cáo tháng 3 vừa rồi.
Theo Ricky Hồ